Thiết lập khuôn khổ pháp lý trong việc ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng tài chính

(PLVN) - Thực tế kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính toàn cầu trong quá khứ và gần đây cho thấy, tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong Mạng an toàn tài chính và trong khuôn khổ dự phòng và xử lý khủng hoảng quốc gia.

Ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng tài chính - ngân hàng trên thế giới

Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả do Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) ban hành khuyến nghị vai trò và trách nhiệm của tổ chức BHTG trong việc lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng. Nguyên tắc số 6 nêu rõ: Tổ chức BHTG cần phải có các chính sách và quy trình dự phòng rủi ro, quản lý khủng hoảng nhằm đảm bảo khả năng phản ứng hiệu quả trước rủi ro và tình trạng đổ vỡ ngân hàng cũng như các sự kiện khác.

Việc xây dựng chiến lược ứng phó khủng hoảng cần là trách nhiệm chung của tất cả thành viên Mạng an toàn tài chính. Tổ chức BHTG cần là thành viên của khuôn khổ trao đổi thông tin và hợp tác giữa các thành viên Mạng an toàn tài chính trong vấn đề ứng phó và quản lý khủng hoảng.

Mạng an toàn tài chính bao gồm các tổ chức thực hiện các chức năng điều tiết, giám sát, xử lý an toàn, người cho vay cuối cùng và BHTG. Các chức năng này được thiết kế để đảm bảo rằng hệ thống tài chính vận hành một cách an toàn và lành mạnh; và nếu một tổ chức tài chính đổ vỡ thì sẽ được xử lý mà không gây gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống tài chính. Khung thể chế cho Mạng an toàn tài chính rất đa dạng, không có mô hình hoặc bối cảnh thể chế duy nhất nào phổ biến trên toàn cầu.

Các thỏa thuận phối hợp và chia sẻ thông tin giữa thành viên Mạng an toàn tài chính được thiết lập trong thời kỳ ổn định, làm cơ sở để tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp trong thời kỳ khủng hoảng. Đối với tổ chức BHTG, thông tin họ nhận được rất quan trọng cho việc lập kế hoạch dự phòng hoặc để phát triển các chiến lược xử lý. Thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa các thành viên Mạng an toàn tài chính cần được chính thức hóa thông qua luật pháp, biên bản ghi nhớ (MoU) hoặc các quy định pháp lý khác.

Tại Indonesia, Mạng an toàn tài chính gồm 4 tổ chức: Ngân hàng Trung ương (NHTW) Indonesia, Bộ Tài chính, Cơ quan dịch vụ tài chính và Tổng công ty BHTG. Khuôn khổ pháp lý cho Mạng an toàn tài chính Indonesia bao gồm rất nhiều luật liên quan như: Luật Cơ quan dịch vụ tài chính OJK, Luật Ngân hàng, Luật bảo hiểm, Luật thị trường vốn, Luật NHTW Indonesia, Luật BHTG và đặc biệt là Luật ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng hệ thống tài chính.

Trong giai đoạn bình thường, các cơ quan trong Mạng an toàn tài chính Indonesia phối hợp với nhau theo quy trình: Cơ quan dịch vụ tài chính sẽ thực hiện giám sát và ban hành các quy định liên quan đến hoạt động giám sát an toàn. Trong trường hợp cơ quan dịch vụ tài chính phát hiện ngân hàng gặp khó khăn, đặc biệt về thanh khoản, NHTW sẽ hỗ trợ thanh khoản thông qua chức năng người cho vay cuối cùng. Trong trường hợp ngân hàng mất khả năng chi trả, BHTG sẽ tiến hành xử lý ngân hàng đổ vỡ. Trong trường hợp khủng hoảng, Bộ Tài chính sẽ điều phối việc ban hành chính sách xử lý cụ thể.

Khuyến nghị đối với Việt Nam

Từ khuyến nghị IADI cũng như kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thiết lập thể chế, khuôn khổ pháp lý cho việc ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng, bao gồm:

Thứ nhất, cân nhắc thiết lập một Mạng an toàn tài chính bao gồm Bộ tài chính, Ngân hàng nhà nước, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Việc phối hợp giữa các thành viên trong Mạng an toàn tài chính cần được chính thức hóa qua các văn bản, quy định pháp lý và có cơ chế phối hợp rõ ràng.

Trên cơ sở đó, BHTGVN có thể xây dựng được kế hoạch dự phòng và chuẩn bị ứng phó với khủng hoảng, đảm bảo có sẵn các công cụ và quy trình cần thiết liên quan đến chi trả, nguồn vốn, thu hồi, xử lý và truyền thông.

Thứ hai, quy định rõ cơ chế chia sẻ thông tin cũng như quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong Mạng an toàn tài chính để có thể can thiệp sớm vào việc xử lý những bất ổn của ngân hàng. Việc chia sẻ thông tin liên tục và phối hợp hành động phải rõ ràng và được chính thức hóa thông qua luật, quy định, biên bản ghi nhớ hoặc các văn bản pháp luật khác.

Thứ ba, việc can thiệp không phải lúc nào cũng có thể đem lại thành công nên cần phải chú trọng đến việc thiết kế các kế hoạch hành động, xây dựng giải pháp truyền thông thích hợp nhằm giảm thiểu rủi ro cho người gửi tiền và rủi ro lây lan trong hệ thống khi đóng cửa một tổ chức tín dụng.

Thứ tư, cân nhắc sử dụng phương thức tự giải cứu bail-in thay vì bail-out để giảm thiểu áp lực cho ngân sách Nhà nước và tăng trách nhiệm cho các bên trực tiếp liên quan.

Đọc thêm