Chiều ngày 9/4/2014, người dân phường Bắc Lý (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) bàng hoàng, xôn xao khi hay tin ông Võ Văn Thanh (SN 1956) biến thành “dê già”, nhẫn tâm làm hại đời một thiếu nữ bị thần kinh, câm bẩm sinh ở cùng phường.
Tại công an phường Bắc Lý, “dê già” vẫn một mực quanh co. Phải đến khi nghe những lời nhỏ nhẹ của mẹ nạn nhân, Võ Văn Thanh mới cúi gằm mặt thừa nhận tội lỗi.
Lấy con chó con “nhử mồi” hai đứa trẻ
Sinh năm 1993, Vi là con gái đầu của anh Trần Hữu Hứa và chị Nguyễn Thị Hồng Luận. Em không được may mắn như những đứa trẻ khác. Mới sinh ra, Vi đã bị bệnh tâm thần phân liệt bẩm sinh, bị câm, điếc từ nhỏ. Sáng chủ nhật, nhưng vợ chồng chị Luận đã tất tả ra khỏi nhà từ sớm, đưa con đến bệnh viện. Ngôi nhà trở nên trống trải vì chỉ có cô bé học lớp 11 em gái kế nạn nhân cùng cậu em trai chưa đầy 5 tuổi ở nhà.
Em gái lo lắng nói: “Sáng nay, chị Vi đau bụng, nôn ọe, nên ba mẹ cháu chở đi khám rồi”. Cậu bé út đứng nép ở cửa. Có lẽ sau cú chấn động vừa xảy ra, cậu nhóc trở nên ngại ngần với người lạ.
Một lúc lưỡng lự, cậu bé mới kể: "Thấy cháu với chị Mèo (tên gọi ở nhà của nạn nhân) đi ngoài đường, bác Thanh kêu vô nhà bác rồi đóng cửa lại. Bác cởi áo quần chị Mèo rồi đè chị xuống. Cháu thấy chị Mèo khóc, cháu sợ quá cũng khóc theo. Bác Thanh đưa cho cháu con chó con để chơi, nhưng cháu khóc càng to hơn".
Chị gái tiếp lời em: “Lúc đó một bạn hàng xóm ở cạnh nhà ông Thanh nghe tiếng khóc, bèn chạy đến nhà cháu, hỏi ba cháu: “Bé con nhà chú chơi ở mô rứa?”. Ba cháu ngạc nhiên hỏi lại: “Không phải nó chơi nhà cháu à?”. Nghe vậy, bạn hàng xóm nói: “Chú đến xem thử, chứ cháu nghe tiếng khóc bên nhà ông Thanh, khóc to lắm”.
Khi ba cháu đến thì thấy chị Vi đứng ngoài hiên. Cu em với bác Thanh vẫn ở trong nhà. Ba cháu cứ nghĩ bác ấy trêu chọc hai chị em, chứ không hề nghĩ bác ấy lại hành động như vậy”.
|
Người giận thủ phạm, nhưng cũng có người thông cảm, vì ông Thanh phạm lỗi do men rượu xui khiến |
Mấy hôm sau, khi chúng tôi gặp được mẹ Vi. Người mẹ này không giấu được lo lắng, buồn bã, mỏi mệt. Chị cho biết con gái mình đã nhập viện từ buổi sáng chủ nhật đi khám đó. Trong nỗi đau bơ phờ của người mẹ có con bị hại, chị tâm sự:
"Hôm đó đúng vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, tui đi bán hàng ngoài chợ về. Vừa dựng xe thì cu út kéo tay vô kể lại câu chuyện. Nghe con kể mà tui muốn xỉu ngay tại chỗ. Đến chỗ con gái đang rúm ró vì sợ hãi, tui thấy quần ngoài của cháu mặc ngược, trước ra sau, sau ra trước.
Kiểm tra đến quần trong thì thấy cháu mặc quần trái, dính đầy máu. Vợ chồng tui vừa run lẩy bẩy, vừa căm phẫn vì biết con mình bị hại rồi. Lúc đó tối tăm mặt mũi, nhưng tui cũng phải lấy hết sức ngăn chồng, nếu không sẽ có án mạng xảy ra".
Vừa sơ sểnh, con đã bị hãm hại
Người mẹ kể tiếp: “Sáng 11/4, con tôi được đưa đi giám định tại khoa sản bệnh viện Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới. Kết quả nó bị rách màng trinh, có vị trí bị rách sâu, bầm máu. Tội nghiệp con tui. Cha mẹ chỉ sơ sẩy một chút mà đứa con gái vốn đã chịu thiệt thòi, nay lại phải gánh thêm nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần.
Thấy trong xã hội có nhiều trường hợp khuyết tật bị kẻ xấu hãm hại nên vợ chồng tui luôn để mắt đến con. Vợ chồng tui phải chấp nhận đi làm một người, còn một người ở nhà trông coi Vi. Chồng tui chỉ mua bán lặt vặt trong nhà, chủ yếu để quản lý con, không cho ra ngoài. Chỉ vì hôm đó là ngày nghỉ lễ, chồng tui chủ quan có cho cu út đi với chị gái. Không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy. Day dứt quá”.
Người phụ nữ chất phác thở dài: "Nói thật, vợ chồng tui rất thông cảm với tình cảnh của vợ con ông Thành. Lao động vất vả, bới rác ở bãi để kiếm sống là quá khổ rồi. Con thì đứa đi tù, đứa mất chồng. Bản thân chồng thì nát rượu. Chị ấy cũng khổ lắm.
Hôm ở đồn công an, sau khi nhận tội, ông Thanh nói lương ông được 1,4 triệu ông xin đền 1,2 triệu. Chú công an hỏi ông đền được mấy tháng, ông kêu sẽ đền hai tháng. Thử hỏi có “cười ra nước mắt” không? Con tui là người khuyết tật. Nuôi cháu lên chừng đó hai vợ chồng tôi vất vả hơn nuôi bốn, năm đứa con bình thường. Cũng may cháu ngoan, không phá phách, chướng tính như những đứa trẻ khuyết tật khác. Làng xóm yêu thương, xã hội chung tay giúp đỡ.
Ngay ông Thanh hằng ngày cũng rất thương cháu. Có quả dưa, gói kẹo, tấm bánh... ông đều giấu giấu diếm diếm đưa đến cho. Chồng tui sợ ông lấy từ bãi rác về, không nhận là ông sừng sộ: “Tau thương cháu thì tau cho. Toàn đồ ngon, con tau đem về cả đó”. Vậy mà không biết ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào ông lại hành động một cách nhẫn tâm, vô nhân tính đến vậy. Mong muốn của gia đình tui là pháp luật xử nghiêm minh, đúng người đúng tội."
|
Mẹ nạn nhân: “Không biết ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào ông ấy lại hành động một cách nhẫn tâm, vô nhân tính đến vậy” |
Cái cách "ma đưa lối, quỷ dẫn đường" mà ông Thanh gây ra làm tan nát không biết bao nhiêu trái tim của cả hai gia đình. Nạn nhân từ ngày bị hãm hại đến giờ luôn ở trong trạng thái hoảng loạn, sợ sệt. Đêm ngủ, cháu liên tục giật mình ú ớ. Bốn ngày sau khi xảy ra sự việc, cô bé có hiện tượng sốt, nôn nhiều. Đi khám ở bệnh viện, bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay vì vùng kín bị viêm, cơ thể suy nhược, trạng thái tâm lý không ổn định.
Tàn đời vì chán nản con trai nghiện ngập, rượu đưa lối
Cha mẹ nạn nhân tả tơi đã đành, vợ con hung thủ cũng không kém phần tơi tả. Từ ngày chồng gây ra chuyện, bà Phan Thị Gái (vợ ông Thanh) đi đâu cũng phải cúi mặt.
Gặp bất cứ người hàng xóm nào của Võ Văn Thanh, điều đầu tiên người ta nói về nghi phạm này là rượu. Mọi người đều lắc đầu ngán ngẩm. Rượu vào rồi cứ đi lang thang, lại có cái tính "táy máy" đồ của hàng xóm nên thấy Thanh đâu là mọi người đều tránh.
Em gái của nạn nhân kể: "Bác ấy đến nhà cháu mua rượu suốt. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ một lần 2000, 3000 đồng, một ngày sáu, bảy lần như vậy. Bác Thanh còn hay "táy máy" nữa, mấy lần lấy trộm tiền của ba cháu, ba cháu định báo công an. Nhưng nghĩ số tiền nhỏ, không đáng gì, rồi còn tình cảm hàng xóm láng giềng nữa, nên lại thôi".
Nhỏ con, đen đủi, gầy guộc, vợ thủ phạm ngồi mệt mỏi ngoài hiên nhà, gương mặt hằn rõ nét khắc khổ. Sự thảng thốt vẫn còn nguyên vẹn trong ánh mắt. Giọng run run, bà tâm sự: "Gia đình tui làm nghề bới rác, nghe tên cái nghề là biết cơ cực răng rồi. Chiều đó nghe công an gọi điện, tui run chân run tay, hớt hải chạy về. Nhà đông nghịt người. Người hỏi câu này, người hỏi câu khác, đầu óc tui xoay tròn, đâm ra ngớ ngẩn.”
Hỏi gia đình đã có trách nhiệm gì với người bị hại chưa, bà rưng rưng: "Tui với mấy đứa con chết điếng trong lòng vì cái việc ông Thanh làm với cháu Vi. Nói thật, ông Thanh nát rượu gia đình tui đã quá khổ, quá nhục rồi, giờ còn gây ra hành vi vô cùng xấu xa tội lỗi. Mấy mẹ con tui không còn mặt mũi đâu mà nhìn xóm, nhìn làng. Nhưng dù gì đi nữa, tui với các con cũng làm hết trách nhiệm của một người vợ, của con cái đối với chồng với cha."
Bà cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, bà và các con đã mua sữa mang đến nhà nạn nhân để thay chồng xin lỗi và thăm hỏi sức khỏe, tâm lý cháu Vi. Mấy mẹ con bà cũng đã có lời xin với bố mẹ nạn nhân thương lượng nội bộ hai gia đình, cho trọn tình trọn nghĩa, cho hết trách nhiệm của người làm vợ.
Người vợ vẫn rộng lòng tha thứ
Ngao ngán nhìn ngôi nhà nhỏ xập xệ, ngổn ngang đồ đạc, người vợ phân trần: “Cả ngày cúi mặt trên bãi rác thải của thành phố, nhặt nhạnh những thứ có thể bán được mà sống qua ngày, nên cũng ít quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của chồng. Cứ nghĩ lo cho ông Thanh cơm nước đầy đủ, thỉnh thoảng đảo qua nhà dọn dẹp mấy thứ là ổn rồi. Ông Thanh có tật nghiện rượu, tưởng suốt ngày làm bạn với rượu chứ ai có thể ngờ được ông đang tâm hãm hại đứa bé. Bà cố nuốt nỗi nghẹn ngào vào lòng:
“Không có nỗi nhục nào như nỗi nhục này. Chồng tui một tháng 30 ngày đều nát rượu, lý trí không được bình thường. Người lắm bệnh như ông ấy vào tù một năm thôi là cũng đủ chết rồi."
Từ khi được gia đình và tổ dân phố bảo lãnh về nhà, ông Thanh luôn “núp” một mình trong phòng. Nghe vợ dỗ mãi, ông mới chịu bước ra ngoài hiên, nói chuyện. Người đàn ông 58 tuổi liêu xiêu ngồi trước hiên nhà. Mái tóc bạc xơ xác, cứng quèo cứ muốn chực rũ xuống, kiệt quệ.
Có lẽ do sức tàn phá của rượu cộng với sự việc mấy ngày qua làm cho tấm thân vốn đã tiều tụy giờ không còn một chút sức lực nào nữa. Chưa kịp bắt chuyện, ông Thanh đã rành rọt: "Tui ngu thì tui chịu, không liên quan chi đến ai". Nói xong, ông khóc nấc lên.
Những giọt nước mắt của người đàn ông gây ra tội lỗi lăn dài trên gò má nhô cao. Có lẽ, người đàn ông này đang rất ân hận và ông cố “níu” lấy gốc gác, quá khứ tốt đẹp để “bào chữa”, vớt vát phần nào tội lỗi. Mắt ông sáng lên, linh hoạt hẳn khi kể về gia đình: “Mẹ tui là cán bộ lão thành cách mạng, ba tui có huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, tui đã từng được tặng Bằng khen "Đã có công lao xây dựng đất nước". Rồi ông hấp tấp vào nhà xách ra cái túi nặng trịch. Đôi tay run run xáo từng món đồ để tìm kiếm. Rồi như sực tỉnh ra, ông thảng thốt lặp lại: "Mà nói làm chi chuyện đó nữa, đằng nào tui cũng ngu rồi. Trước sau chi tui cũng đi tù. Tui ngu thì tui chịu."
(Tên nạn nhân đã được thay đổi)