Thiếu quy định "xử nghiêm" việc "vay tiền lãi cao" trong nhân dân

Hôm qua - 25/10, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - có cuộc trao đổi với báo chí về tình trạng hàng loạt các vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra trong thời gian qua...
Hôm qua - 25/10, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - có cuộc trao đổi với báo chí về tình trạng hàng loạt các vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.

Dưới góc độ của cơ quan điều tra, ông nhận định thế nào trước thực trạng “tín dụng đen” vỡ nợ hàng loạt thời gian qua?

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến.
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến.
“Tín dụng đen” thực chất là những hoạt động cho vay trong nhân dân, xét cho cùng đó là do nhu cầu làm ăn. Vay mượn của cá nhân sau đó chủ yếu đầu tư vào bất động sản, tài chính, chứng khoán, vàng. Những thị trường này khi bị tụt giảm đã dẫn đến hậu quả thất bại cho người đầu tư và đây chính là nguyên nhân gây vỡ nợ. Qua thống kê, 9 tháng đầu năm có 60 vụ vỡ nợ.

Có ý kiến cho rằng, một số vụ ngành Công an xử lý chưa kịp thời?

Thực ra cái khó này là do quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự hiện quy định người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ  10 lần trở lên (nếu lãi suất ngân hàng là 14% như hiện nay thì phải là 140%) mới bị xử lý hình sự, còn dưới mức ấy chỉ có những quy định xử lý hành chính. Hiện đối với vay mượn trong nhân dân lại chưa có những quy định cụ thể để xử lý nghiêm những hoạt động huy động như thế này.

Thực tế, những vụ xử lý được là những vụ chúng ta vận dụng vào điều lừa đảo, chiếm dụng tài sản hoặc lạm
dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ban đầu những hành vi đó là quan hệ dân sự, nhưng khi vỡ nợ thì một số hành vi đã chuyển thành hình sự. Vì khi vỡ nợ rồi, họ lại tiếp tục đi vay tiền để trang trải, trả nợ cho những khoản khác. Lúc ấy, về ý thức họ biết mình không còn khả năng trả nợ nữa, nếu làm rõ ý thức chủ quan có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm.

Như vậy có thể hiểu, xử lý những vụ việc này không cẩn trọng sẽ rơi vào hình sự hóa quan hệ dân sự?

 Đúng như vậy, do đó phải tùy từng vụ việc cụ thể để giải quyết chứ "gói" chung vào một thì rất khó. Thời gian tới, ngành Công an tập hợp tài liệu kiến nghị với liên ngành trung ương và liên ngành đang nghiên cứu để xây dựng thông tư hướng dẫn điều tra xử lý những hành vi vi phạm này. Điều này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ các vi phạm để chủ động phòng ngừa.

Xin cảm ơn Thiếu tướng.

Thu Hằng (thực hiện)

Đọc thêm