Các dịch vụ tham vấn học đường bao gồm: tham vấn hướng nghiệp, tham vấn khủng hoảng học đường, tham vấn sức khỏe tâm thần trường học, tham vấn về phương pháp học tập và những khó khăn trong học tập…
Hoạt động tư vấn tâm lý học đường chủ yếu nhất hiện nay tại nước ta là về tư vấn tuyển sinh, tư vấn tâm lý lứa tuổi. Trong khi đó, học sinh hiện nay còn có vấn đề về học tập, cảm xúc, hành vi, khuyết tật học tập, stress ở nhà, vấn đề sức khỏe tâm thần, sinh học hay y khoa.
Hạn chế của các văn phòng tham vấn tại Việt Nam hiện nay là nhìn nhận vấn đề và đề xuất các mô hình đào tạo nhân lực tham vấn học đường từ các góc độ khác nhau theo chuyên môn sâu từng nhóm, từng dự án mà chưa thấy toàn cục. Bên cạnh đó, thay vì đào tạo thạc sỹ tư vấn chuyên nghiệp thì nước ta lại bồi dưỡng ngắn hạn (vài buổi, hay vài tuần) làm phương thức đào tạo chính yếu.
Hiện nay với 30.000 trường tiểu học, THCS, THPT và 700 Sở, Phòng GD&ĐT, dù mỗi trường phổ thông và các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT chỉ cần 1 biên chế là cử nhân/ thạc sĩ tham vấn học đường chuyên nghiệp thì cả nước cũng cần tới tối thiểu 30.000 người đảm trách công việc này. Thế nhưng cho đến nay toàn ngành GD&ĐT chưa có đến 1.000 cử nhân tâm lí học trường học đã tốt nghiệp cùng với rất ít thạc sĩ, tiến sĩ có chuyên môn về tư vấn học đường.
Những năm gần đây, một số mô hình tham vấn tâm lí được triển khai tại Hà Nội như “Trung tâm Tham vấn học đường” tại trường THPT Trần Hưng Đạo và tại trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành, hoạt động của hai “Phòng tâm lý học đường” tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THPT song ngữ liên cấp Wellspring, trường THCS Ngô Sỹ Liên...
Tại TP HCM từ năm 2009 đến nay thực hiện Đề án “Mô hình Tư vấn tâm lý trường học” do Giám đốc Sở GD&ĐT Huỳnh Công Minh lúc đó đề xuất nhưng hiện tại thì số lượng và chất lượng giáo viên tư vấn đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Theo TS. Trần Anh Tuấn và PGS. TS Đặng Hoàng Minh, với điều kiện Việt Nam hiện nay, chỉ có mô hình Văn phòng tham vấn học đường đa nhiệm mới có thể đạt được các mục tiêu tư vấn học đường và đem lại mới hiệu quả thiết thực. Xây dựng và thiết lập một văn phòng tham vấn theo đặc thù cấp học: cho một cụm 4-5 trường THCS, THPT, hoặc cho một cụm 4-5 trường Tiểu học trên cùng địa bàn.
"Chúng ta cần thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng đại trà và cấp chứng chỉ tham vấn học đường quốc gia cho đông đảo giáo viên kiêm nhiệm ngay từ năm học này. Đồng thời các trường đại học quốc gia, các trường đại học sư phạm, Học viện giáo dục xem xét khẩn trương mở các chương trình đào tạo bậc cử nhân, thạc sỹ tư vấn học đường", chuyên gia tham vấn học đường đề xuất.
Theo các ý kiến tham luận tại hội thảo, phương thức đào tạo đội ngũ tư vấn viên tham vấn học đường chuyên nghiệp phải được ưu tiên và cần được các cơ sở đào tạo chủ động triển khai ngay từ năm 2018. Vì nếu duy trì tình hình phát triển giáo dục và quy mô đào tạo nhân lực tư vấn học đường 150 -200 người/năm như hiện nay, 100 năm nữa mới đủ cung cấp tư vấn viên cho 1/2 số trường học...