Thưa Thiếu tướng, những vụ bắt giữ hàng tạ, hàng tấn ma túy trong thời gian qua cho thấy, các đối tượng buôn bán ma túy ngày càng manh động và liều lĩnh. Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của tội phạm ma túy và kết quả phòng chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trên khu vực biên giới hiện nay?
- Những năm qua, tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động và liều lĩnh, cụ thể:
Ở ngoại biên, hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, đặc biệt ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vận chuyển qua Lào, sang Campuchia vào Việt Nam tăng đột biến.
Các tổ chức, đường dây vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn, tập kết tại các tụ điểm ở khu vực biên giới các tỉnh Bắc Lào giáp biên giới Việt Nam như Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ, Luông Pha Băng…
Từ đây, chúng thuê người vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam tiêu thụ hoặc chuyển đi nước thứ ba, điển hình: Ngày 17/2/2019, tại xã Sơn Kim 1, Công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh và Cục C04 Bộ Công an đồng chủ trì đã phối hợp với Phòng PC04 Hà Tĩnh, Cục Hải quan Hà Tĩnh đấu tranh thành công Chuyên án 218 Lp, bắt đối tượng Vang Chueyang (SN 1994, quốc tịch Lào) thu 278kg ma túy tổng hợp (MTTH) dạng đá.
Ngày 26/11/2019, Công an Lào phát hiện 01 xe ô tô (đối tượng bỏ chạy) thu giữ 1.032 bánh heroin và 200kg ma túy đá. Đáng chú ý, BĐBP phát hiện một số công ty, doanh nghiệp của người Trung Quốc thuê đất nhiều năm tại các tỉnh U Đôm Xay, Luông Nặm Thà, Khăm Muộn, Bô Ly Khăm Xay và Attapư Lào có nghi vấn tổ chức sản xuất trái phép chất ma túy.
Ở trong nước, tội phạm ma túy liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và nước ngoài, ở khu vực biên giới và nội địa với quy mô hoạt động lớn, tính chất manh động, khi bị phát hiện, vây bắt, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt.
Từ cuối năm 2017 đến nay, lượng MTTH dạng viên, tinh thể từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam số lượng rất lớn và tiếp tục gia tăng. BĐBP và các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều đường dây mua bán vận chuyển trái phép các chất ma túy, đối tượng chủ mưu, cầm đầu chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan, Lào và Việt Nam hoạt động “núp bóng” các công ty “trá hình” để sản xuất, cất giấu ma túy, sau đó vận chuyển vào Việt Nam, một phần được tiêu thụ tại nội địa, một phần vận chuyển đi nước thứ 3.
Thậm chí, chúng móc nối với đối tượng người Việt Nam để cung cấp tài chính, tiền chất, công nghệ, tổ chức sản xuất ma túy ngay tại Việt Nam. Ngày 6/8/2019, Cục C04 Bộ Công an phối hợp Đoàn 3 Cục Phòng chống ma túy và Tội phạm BĐBP đã triệt phá một cơ sở tại thị trấn Đắk Hà, Kon Tum, bắt 14 đối tượng người Trung Quốc, thu 13 tấn tiền chất, 15 máy chưng cất ma túy.
Kết quả, trên toàn tuyến biên giới, từ 1/1/2015 đến 31/12/2019, các đơn vị BĐBP đã bắt giữ, xử lý tổng số 42.793 vụ/70.462 đối tượng; tang vật thu giữ gồm 11,764 tấn ma túy các loại, 278 khẩu súng.
Còn phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới?
- Thời gian qua, lợi dụng sơ hở trong tuần tra, kiểm soát biên giới của cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu đã thuê người dân mang vác, vận chuyển hàng lậu qua biên giới, khi bị truy bắt thường bỏ lại tang vật, kích động tụ tập đông người, gây áp lực với lực lượng truy bắt và giải thoát hàng.
Chúng lợi dụng danh nghĩa công ty có chức năng xuất nhập khẩu ở trong và nước ngoài để làm bình phong hoạt động với thủ đoạn như: Làm giả hồ sơ (hợp đồng kinh tế, chứng từ mua bán với nước ngoài...) để thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa; lợi dụng nhà xưởng của doanh nghiệp để cất giấu, vận chuyển ma túy, buôn lậu; lợi dụng chính sách miễn thuế hàng hóa đối với cư dân biên giới để mua gom hàng hóa (Theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016: Cư dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại khu vực biên giới được miễn thuế với giá trị hàng hóa không quá 2.000.000 đồng/người/ngày/1 lượt và không quá 4 lượt/tháng).
Sau đó, các tay trùm hợp thức hồ sơ vận chuyển vào nội địa tiêu thụ, lợi dụng loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất, khi vận chuyển hàng đến cửa khẩu tái xuất thì phá niêm phong, kẹp chì để rút ruột hàng hóa thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ hoặc xuất lậu qua biên giới (không khai báo hải quan)...
Còn đối tượng mua bán người đưa nạn nhân qua cửa khẩu (bằng hộ chiếu, giấy thông hành) hoặc đối tượng hướng dẫn nạn nhân tự đi qua cửa khẩu phụ, lối mở dưới các hình thức thăm thân, làm thuê hoặc xuất cảnh trái phép; sau khi qua biên giới, các đối tượng thu giấy tờ, tiền, điện thoại của nạn nhân và bán nạn nhân cho các nhà chứa làm gái mại dâm, làm vợ...
Thiếu tướng có thể cho biết, việc thực thi thẩm quyền của lực lượng BĐBP hiện nay tại khu vực biên giới đang có những vướng mắc gì, cần đề xuất gì?
- Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, chuyển cảng, vận chuyển hàng hóa nội địa còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tội phạm triệt để lợi dụng kẽ hở pháp luật để buôn lậu, trốn thuế.
Theo luật, BĐBP không có thẩm quyền điều tra đối với các tội sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tội phạm về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm (quy định tại các Điều 190, 191, 232, 233, 234, 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Vì vậy, khi phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, gỗ, động vật hoang dã..., do không có thẩm quyền điều tra nên BĐBP không có điều kiện đấu tranh làm rõ phương thức, thủ đoạn và hiệu quả răn đe, ngăn chặn hạn chế.
Từ thực tế trên, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, có lộ trình sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự theo hướng bổ sung giao cho BĐBP được điều tra đối với các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tội sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tội phạm về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, đảm bảo tính kịp thời trong công tác ngăn chặn điều tra, truy bắt đối tượng liên quan, không bỏ lọt tội phạm.
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.