Chỉ thị đầu tiên của Thủ tướng trong năm 2020: Để chiến lược “Make in Viet Nam” sớm thành hiện thực

(PLVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg; chỉ thị đầu tiên trong năm 2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với những mục tiêu và giải pháp được đánh giá đột phá. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel hôm 28/12/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel hôm 28/12/2019

Theo Chỉ thị này, mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp (DN) công nghệ số (CNS) cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 DN CNS để phát triển kinh tế số (KTS), xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu CNS rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

“Khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường… chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp CNS Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh trong Chỉ thị. 

Sự phát triển vượt bậc

Chỉ thị của Thủ tướng là phù hợp với tình hình hiện nay và hết sức kịp thời góp phần triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam - Make in Vietnam sáng 9/5/2019, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chính thức công bố chiến lược “Make in Vietnam”, chiến lược mà ông Hùng cho rằng liên quan đến tương lai, vận mệnh của Việt Nam.

“Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và bẫy thu nhập trung bình”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh thì chính họ sẽ góp phần định hình lại thế giới.

Các số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, với sự đóng góp của 50.000 DN công nghệ, công nghiệp CNTT duy trì tăng trưởng 10%. Tốc độ băng rộng di động tải xuống thống kê đến quý 4/2019 là 29,08 MBps, tiệm cận với tốc độ trung bình thế giới (30,93 Mbps). Bộ TT&TT cũng đã trình Thủ tướng xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. 

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” công bố cuối năm 2019, nền KTS Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Nền KTS Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Hà Nội và TP HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền KTS của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Singapore), với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019.

Tổng giá trị giao dịch (GMV) trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỉ USD trong năm 2019, cao gấp 12,5 lần mức 0,4 tỷ USD của năm 2015 và sẽ tăng tới 23 tỷ USD vào năm 2025. Các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền KTS Việt Nam.

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra những mục tiêu cụ thể về kinh tế cho những năm tới. Theo đó, tới năm 2025, xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. KTS chiếm khoảng 20% GDP.

Còn tới năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. KTS chiếm trên 30% GDP. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số…

Thực tế cho thấy Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đạt được các mục tiêu trên. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong điều kiện quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn khiêm tốn, xét về trình độ và môi trường cho phát triển KH&CN, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt trội so với các quốc gia ở trình độ phát triển tương đồng. 

Chỉ số đổi mới  sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia và năm 2019 tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, đưa Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia).

Sứ mệnh đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển

Trong Chỉ thị mới đây, Thủ tướng nêu rõ, dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là CNS (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật…), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - KTS, xã hội số, chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số. 

Do đó, phát triển các DN ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên CNS để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hoá các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được CNS vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.

Theo Thủ tướng, các DN CNS Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Vietnam” với hàm ý “Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”. 

Những DN CNS Việt Nam sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Như vậy, Chính phủ đã xác định KTS là động lực phát triển quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển.

Theo Thủ tướng, muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là sử dụng công nghệ, nhất là CNS. Năm 2020 là năm Việt Nam tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo các DN trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số. 

“Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ. Các DN CNTT và truyền thông phải đi đầu trong chiến lược “Make in Vietnam”. Thậm chí, Thủ tướng đã đề xuất một tên gọi mới cho Bộ, đó là “Bộ Truyền thông và Kinh tế số”.

Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, sau khi Thủ tướng ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia trong quý I/2020, các địa phương sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số của địa phương mình, cũng như chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0  theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và hoàn thành trong quý II/2020. Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, đây là sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện.

Làm rõ hơn về mục tiêu phát triển DN CNS, ông Hùng cho biết, cứ mỗi 1.000 người dân là phải có 1 DN CNS để thực hiện tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, chuyển giao lắp đặt và ứng dụng công nghệ, nhằm đưa CNS ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và mọi tổ chức, mọi DN, mọi gia đình. Như vậy, theo tính toán này, với khoảng 100 triệu dân, Việt Nam cần có khoảng 100.000 DN CNS. 

Theo dự báo, tới 2030, việc thực hiện cuộc CMCN 4.0 ở ba mức thấp, trung và cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng từ 28,5 – 62,1 tỷ USD. 

Một số giải pháp trong Chỉ thị số 01/CT-TTg

Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển DN CNS Việt Nam đến 2030, trình Thủ tướng ban hành trong năm 2020; Xây dựng Kế hoạch phát triển DN CNS Việt Nam của từng ngành, địa phương; Xác lập 1 đầu mối ở Trung ương và 01 đầu mối ở mỗi địa phương để tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho DN CNS; Triển khai các chương trình, đề án, dự án về chính phủ điện tử, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh…; Cải cách các quy định về Quỹ phát triển KH&CN của DN; Thành lập Quỹ phát triển DN CNS Việt Nam với nguồn vốn huy động từ xã hội.

Định kỳ tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển DN CNS Việt Nam; Tuyên dương các DN CNS Việt Nam tiêu biểu thực hiện tốt chiến lược “Make in Vietnam” và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh…

Đọc thêm