Quy định đuổi học sinh viên bán dâm không còn phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo “kiên quyết sửa sai“

(PLO) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (30/10) về quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với quy định đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây là quy định không phù hợp, quan điểm của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) là "sai phải sửa và kiên quyết sửa".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Không phải quy định mới!

Trước đó, như Báo PLVN đã thông tin, mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo Thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp để lấy ý kiến nhân dân.

Một trong những quy định gây xôn xao tại dự thảo Thông tư này là quy định sinh viên, nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư, sẽ bị buộc thôi học. Nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học, sinh viên bị khiển trách và lần thứ hai sẽ cảnh cáo, lần thứ ba đình chỉ có thời hạn. Sinh viên chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên phát hiện vi phạm.

Đây không phải là quy định mới vì quy chế HS-SV các trường đại học, cao đẳng và trung cấp hệ chính quy từ năm 2007 đã quy định HS-SV có hoạt động mại dâm lần thứ 1 sẽ bị đình chỉ 1 năm học, hoạt động lần thứ 2 thì bị đuổi học.

Đến năm 2016, quy chế được sửa đổi quy định hành vi "hoạt động mai dâm" đến lần thứ 4 thì HS-SV mới bị đuổi học.

Nay, Bộ GD-ĐT soạn dự thảo quy chế công tác sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp khối ngành sư phạm (vì các trường cao đẳng, trung cấp khối ngành khác đã được chuyển về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý).

Như vậy, quy định hành vi "hoạt động mại dâm" đến lần thứ 4 thì HS-SV mới bị đuổi học là quy định hiện đang được thực hiện chứ không phải là một quy định mới nào được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm vào dự thảo Thông tư. 

Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thực hiện kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch soạn thảo Thông tư ban hành Quy chế Công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy thay thế Quy chế Công tác HSSV theo QĐ số 42/2007/QĐ-BGDĐT. Theo kế hoạch Bộ cũng sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT cho phù hợp với thực tiễn.

Quá trình soạn thảo Thông tư này, Ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của HSSV, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động Mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành Quy chế mới. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, Ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.

Cụ thể, Điều 4 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành tháng 10/2003 quy định rõ: "Nghiêm cấm các hành vi sau đây: Mua dâm; bán dâm; chứa mại dâm; tổ chức hoạt động mại dâm; cưỡng bức bán dâm; môi giới mại dâm; bảo kê mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; các hành vi khác liên quan hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật". 

Thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành là văn bản dưới luật và không thể trái với pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phòng, chống mại dâm. Do đó, việc quy định xử phạt sinh viên hoạt động mại dâm tại dự thảo Thông tư này là không cần thiết. 

Sẽ kiên quyết sửa sai!

Mặc dù đã bỏ nội dung xử phạt sinh viên bán dâm ngay sau khi phát hiện sự không hợp lý của quy định này thì việc quy định đuổi học sinh viên bán dâm tại Quy chế công tác HSSV vẫn gây nhiều "xúc động" đối với dư luận và ngay cả các vị đại biểu Quốc hội. 

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, vấn đề mại dâm là vấn đề rất nhạy cảm của xã hội nhưng nếu được đưa vào quy chế thì không được.

"Chúng ta đã nhiều lần thảo luận với nhau có nên công nhận mại dâm một nghề không hay không cũng rất thận trọng khi chúng ta là nước rất trọng nhân phẩm, phẩm chất người phụ nữ. Đặc biệt đối với tuổi còn trẻ, thanh niên thì đưa vấn đề xử lý mại dâm vào không là không nên, nhất là khuôn viên học đường, nơi lẽ ra chỉ làm giáo dục. Cho dù ở góc độ nhân đạo ta có thể tính đến việc này nhưng trở thành quy chế thì không được", ông Quốc nói.

Đọc thêm