Thông điệp Chính phủ củng cố lòng tin

"Chính phủ đã đưa ra thông điệp mãnh mẽ gắn với biện pháp mạnh, đặc biệt là biện pháp thắt chặt chính sách tài khoá. Tôi tin rằng thông điệp và các biện pháp của Chính phủ sẽ củng cố lòng tin thị trường và xã hội", TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định về Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Chính phủ hôm qua ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề rất thời sự này.

- Mới 2 tháng đầu năm mà lạm phát đã quá ½ mục tiêu 7% đặt ra cho cả năm, liệu các giải pháp mà Nghị quyết của Chính phủ đưa ra có “cứu vãn” được tình hình?

- Với Nghị quyết 11, Chính phủ đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng và thể hiện rất rõ nỗ lực, quyết tâm và triệt để trong thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động bất ổn, bất định.

Trong Nghị quyết, Chính phủ đã đưa ra thông điệp mãnh mẽ gắn với biện pháp mạnh, đặc biệt là biện pháp thắt chặt chính sách tài khoá. Tôi tin rằng thông điệp và các biện pháp của Chính phủ sẽ củng cố lòng tin thị trường và xã hội.

Đưa ra những giải pháp này, Chính phủ tin tưởng ở khả năng ổn định kinh tế vĩ mô và kỳ vọng là vĩ mô sẽ ổn định, lạm phát sẽ giảm. Tôi cũng lưu ý rằng để kỳ vọng của Chính phủ thành hiện thực cần có thời gian, có thể trong quý II, quý III lạm phát chưa thể giảm ngay nhưng cần sự kiên trì nhất quán và quyết tâm, nhẫn nại

- Với các biện phát thắt chặt như vậy, chắc chắn sẽ rất khó khăn cho SXKD, thưa ông?

- Vẫn biết là các biện pháp pháp theo hướng mạnh mẽ, thắt chặt như vậy sẽ khó khăn cho SXKD, sẽ có những nhóm người bị tổn thương, chính vì vậy giải pháp quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ đã lường hết những khó khăn này và chính điều này nói lên, để thực hiện các mục tiêu này cần quyết tâm chính trị rất lớn, cần quyết tâm chính trị rất cao và sự đồng lòng, nhất trí từ cộng đồng DN đến mỗi người dân.

Các bộ, ngành cần thông tin với công chúng, với thị trường một cách rõ ràng, nhất quán, minh bạch để có được sự đồng thuận chung.

Khó khăn trước mắt, nhưng đây là cách làm, là bước đi phù hợp với quá trình lâu dài, đó là tăng chất lượng tăng trưởng. Thứ hai là, trong bối cảnh tới đây có sự chuyển giao về con người trong bộ máy nhà nước, thì càng cần có sự chỉ huy và phối hợp thực hiện chặt chẽ. Đặc biệt, phải giám sát, rà soát, theo dõi thường xuyên, cập nhật liên tục những phản ứng từ thị trường để có phản ứng chính sách hợp lý. Thắt chặt tài khoá sẽ phải tính toán, sẽ phải có những danh sách mang tính ưu tiên, dự án nào hiệu quả, liên quan ít hay nhiều đến nhập khẩu, liên quan đến độ lan toả tới nền kinh tế, từ đó tác động đến các vấn đề xã hội khác.

- Đã có nhiều khuyến nghị của các chuyên gia về vấn đề đầu tư công, và thực tế Chính phủ cũng nhiều lần đề cập đến việc phải sử dụng hiệu quả đồng vốn, thế nhưng…

- Theo tôi, đây là dịp mà chúng ta nhìn lại để loại bỏ những hạn chế của việc đầu tư công kém hiệu quả. Hãy lưu ý rằng bài học và kinh nghiệm từ năm 2008 về cắt giảm chi tiêu, đầu tư công trong các dự án vẫn có thể tốt cho lần này. Nhưng lần này cần làm tốt hơn, chặt chẽ hơn, nghiêm túc hơn.

Năm 2008 thắt chặt như vậy thì lạm phát lên đỉnh vào tháng 8 và sau đó có xu hướng giảm.  Nhưng năm 2008 có vấn đề là sau đó thì chịu tác động ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái, chính sách lại chuyển nhanh theo hướng hỗ trợ phát triển kinh doanh…

Bài học này cho thấy, trong tình hình thế giới bất ổn, cần bám sát tình hình để có chính sách phù hợp. Tình hình thế giới hiện cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhau, những vấn đề nợ công của châu Âu còn đó, nguy cơ nước nào lo nước ấy, điều hành chính sách tiền tệ có xung khắc, phục hồi kinh tế toàn cầu yếu...

Rồi vấn đề nổi lên là giá nguyên, nhiên liệu  tăng do Bắc Phi bất ổn, nguy cơ bắt đầu hiện hữu là giá thực phẩm tăng mạnh, xác suất tạo ra một cuộc khủng hoảng tuy chưa rõ nhưng không thể loại trừ. Trong bối cảnh phức tạp này,  phải  bám thật sát tình hình thế giới, khu vực và nội tại nền kinh tế để lựa chọn chính sách. Trong mọi trưòng hợp thì lựa chọn chính sách  chuẩn, minh bạch, rõ ràng với thị trường là điều quan trọng…

- Cảm ơn ông.

Linh Lan (thực hiện)

Đọc thêm