Thông điệp mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa tham gia Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phải nói rõ, COP28 là hội nghị lớn nhất trong lịch sử với sự tham dự của gần 140 lãnh đạo cấp cao và khoảng 90.000 đại biểu.

Trong 5 ngày hoạt động liên tục, Thủ tướng Việt Nam đã truyền tải những thông điệp lớn về quan điểm, chính sách, nhất là những chiến lược, đề án, kế hoạch lớn của Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện đối tác chuyển đổi năng lượng (CĐNL) công bằng (JETP), thu hút sự quan tâm cao và cam kết ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế.

Khái niệm “công bằng” xuất hiện ở lĩnh vực CĐNL, là phù hợp với xu thế xanh hóa sản xuất và đời sống, xanh hóa chuỗi cung ứng; vấn đề quan trọng với cộng đồng quốc tế hiện nay.

Để CĐNL tại Việt Nam, ngoài chiến lược, quy hoạch, cần nguồn vốn đầu tư, nhân lực. Về nguồn vốn, ngoài Nhà nước đầu tư cần huy động vốn vay nước ngoài, vốn từ các chủ thể kinh tế khác, theo hướng xã hội hóa.

Về huy động các nguồn vốn “ngoài nhà nước”, nhiều tổ chức của Liên hợp quốc khuyến cáo, Việt Nam cần tiến hành cải cách chính sách để giúp phê duyệt nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư bổ sung. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng cần xác định nhu cầu và dành kinh phí để thực hiện các đánh giá và hành động cần thiết về các khía cạnh “công bằng”.

Tinh thần của JETP, nhiều lần được Thủ tướng và các Phó Thủ tướng tuyên bố, nhấn mạnh, cần nhanh chóng được thực thi bằng những hành động cụ thể, với cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.

Để CĐNL, rõ ràng chỉ nguồn vốn từ ngân sách là không thể đáp ứng. Chính phủ cần dẫn dắt hiệu quả khu vực tư nhân tham gia CĐNL, từ khâu khảo sát, đánh giá, chuẩn bị dự án cụ thể, cũng như sự sẵn sàng về mặt công nghệ, tài chính, phương thức quản lý. Muốn phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sản xuất hydro xanh…), hoặc chuyển đổi các nhà máy điện than sang sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch hơn; cần lộ trình khoa học, công bằng trong chính sách. Làm được như vậy, công khai, minh bạch, công bằng sẽ trở thành động lực với việc khơi thông nguồn lực đầu tư.

Đọc thêm