Thú chơi đĩa vinyl quay trở lại - tìm trở về với "nhà thờ" của âm nhạc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có lẽ lý do lớn hơn để Gen Z ngày càng tìm về đĩa vinyl (đĩa than) là vì họ không muốn đưa âm nhạc tới bất cứ đâu.
Đĩa than của Hà Anh Tuấn
Đĩa than của Hà Anh Tuấn

Cuối năm ngoái, một cuộc khẩu chiến diễn ra giữa người hâm mộ Ed Sheeran và người hâm mộ Adele, khi Ed tiết lộ anh phải gấp rút ra sớm album bởi Adele đã đặt chỗ hết các nhà máy sản xuất đĩa vinyl trên thế giới cho 500.000 bản album 30 của cô.

Không chỉ Ed, mà cả ABBA, Elton John, Taylor Swift, Coldplay đều vì 30 mà trục trặc chuyện ra sản phẩm. Vậy là "trăm dâu đổ đầu tằm", Adele trở thành tâm điểm cho sự chỉ trích vì gây nên... tắc nghẽn chuỗi cung ứng đĩa vinyl - một điều nghe có vẻ vô lý ở thời đại streaming, bởi vì đĩa vinyl ư? Ai mà nghe đĩa vinyl?

Năm 1989, khi Listen to your heart của The Roxettes trở thành ca khúc đầu tiên đứng đầu Billboard Hot 100 mà không phát hành dưới dạng vinyl, người ta coi vinyl đã hết thời và vinyl đã chết.

Nhưng đó cũng là năm Taylor Swift ra đời, người thành danh trong thời đại MP3 nhưng ngay từ khi chớm nổi tiếng đã lựa chọn phát hành Speak now dưới dạng vinyl chỉ vì "tôi yêu khái niệm về album".

Việc ngôi sao khi ấy mới 20 tuổi phát hành đĩa vinyl cho thấy vinyl không chỉ là thú vui ve vuốt quá khứ của người già.

Cùng với sự trở lại của vinyl là cơn sốt thu âm analog. Những chiếc đầu thu băng cối sắp tuyệt chủng bỗng trở lại vào thập niên qua trong âm nhạc của Lady Gaga, Florence and the Machine, Arcade Fire hay Tame Impala.

Ngay cả ở một thị trường năm thì mười họa mới có một album như Việt Nam, cũng có một giấc mơ vinyl âm ỉ. Hà Anh Tuấn, Hoàng Thùy Linh, Lê Cát Trọng Lý đều có album vinyl của riêng mình.

Đức Trí và Thùy Chi phát hành album chỉ trên định dạng vinyl - điều đi ngược mọi quy tắc của thời đại. Còn Tùng Dương, sau 20 năm ca hát, cũng tiết lộ trên trang cá nhân rằng sẽ bắt tay làm đĩa vinyl đầu tiên.

Nhưng cụ thể thì cơn sốt vinyl lớn thế nào? Khoảng 15 năm trước, tổng số đĩa vinyl bán ra trên toàn nước Mỹ trong 1 năm là 900.000 bản.

Và giờ đây, một mình Adele đã in 500.000 bản! Năm 2020, số đĩa vinyl bán ra ở thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới là 27,55 triệu, còn năm 2021 là 41,72 triệu!

Đáng kinh ngạc hơn là trong 10 đĩa vinyl bán chạy nhất năm 2021 chỉ có Purple Rain và Abbey Road là của người xưa, còn thì đều là những album của tên tuổi đương thời. Trong đó, Happier Than Ever của Billie Eilish với số liệu cho thấy cứ 3 album bán ra có 1 album vinyl. Mà khán giả của Billie Eilish chủ yếu là Gen Z.

Sự hồi sinh của đĩa vinyl có sự đóng góp không nhỏ từ Gen Z. Theo khảo sát của MRC Data, Gen Z có xu hướng mua nhiều đĩa vinyl hơn thế hệ Millenials. Nhưng tại sao Gen Z - một thế hệ bú bầu sữa digital - lại ham muốn đĩa vinyl chứ?

Vậy thì ta hãy trở lại một chút với... Steve Job. Cha đẻ của âm nhạc digital, kẻ phá hoại âm nhạc đích thực, như Neil Young mô tả, thực tế lại là con nghiện đĩa vinyl chính cống.

Ông đã tạo nên iPod - hình dung đầu tiên về thứ âm nhạc cất trong túi quần - vì ông muốn đưa âm nhạc tới bất cứ đâu. Thời điểm đó, con người thế hệ cũ mưu cầu sự nhanh, sự tiện nghi, sự trơn tru.

Digital đáp ứng tất cả những điều ấy. Nhưng giờ đây, khi sự tiện nghi đã bội thực, con người thế hệ mới lại ao ước được phanh lại. Không hề ngạc nhiên khi doanh số tăng vọt của vinyl hai năm qua gắn liền với thời kỳ giãn cách.

Mặc dù đúng là âm nhạc digital không thể có được "sự ấm áp" (warmth), thuật ngữ gắn liền với chất âm analog, nhưng đó hẳn chỉ là lý do bề ngoài khiến ta quay về với vinyl.

Nói cho cùng, những người nghe vinyl ngày nay vẫn nghe nhạc trên Spotify mà không hề phàn nàn về chất lượng âm thanh. Có lẽ lý do lớn hơn để Gen Z tìm về vinyl là vì họ không muốn đưa âm nhạc tới bất cứ đâu.

Phải, đĩa vinyl bất tiện kinh khủng do nó cồng kềnh, nhạy cảm với bụi và nhiệt độ, dễ xước xát và dễ nhiễm từ. Ta phải ở đúng một nơi, làm đúng những thủ tục rườm rà chỉ để nghe một chiếc đĩa vinyl đắt đỏ mà mỗi mặt kéo dài vỏn vẹn 20 phút.

Nhưng chính sự hạn chế và ít ỏi ấy khiến âm nhạc trở thành một trải nghiệm đúng người, đúng chỗ, đúng thời điểm - hay nói cách khác, một trải nghiệm quý giá và duy nhất.

Và chẳng phải cầu nguyện ở bất cứ đâu cũng được, nhưng vào nhà thờ để cầu nguyện bao giờ cũng mang tới một cảm giác thiêng liêng hơn hay sao?