Thủ đoạn tội phạm mới khiến người phụ nữ Hà Nội mất 17 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các “pháp nhân ma” lấy tên doanh nghiệp gần giống với các tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng trong nước hoặc giả mạo các sàn thương mại điện tử, cơ quan đoàn thể, tổ chức, quỹ hoạt động từ thiện nhằm gây hiểu nhầm cho người chuyển tiền đến...
Thủ đoạn tội phạm mới khiến người phụ nữ Hà Nội mất 17 tỷ đồng

Tháng 8/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội có tiếp nhận trình báo của chị T (trú tại Long Biên) về việc bị chiếm đoạt tài sản.

Chị T cho biết được “người quen” trên mạng xã hội giới thiệu đầu tư vào Quỹ phúc lợi của 1 Tập đoàn. Người này cung cấp cho chị đường dẫn website có logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu giống của Tập đoàn trên nên chị đã tin tưởng, dẫn tới bị chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận, xử lý, giải quyết nhiều tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến tài khoản nhận tiền chiếm đoạt là tài khoản của các tổ chức, doanh nghiệp giả mạo.

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thực hiện Quyết định số 2345 từ ngày 01/7/2024 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị các giao dịch trong ngày lên đến 20 triệu đồng phải xác thực bằng sinh trắc học. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với chủ tài khoản là cá nhân, chưa áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Công an thành phố Hà Nội, lợi dụng “kẽ hở” từ việc đăng ký tài khoản tại các tổ chức tín dụng đối với giao dịch internet banking của tài khoản doanh nghiệp, các đối tượng xấu sử dụng thông tin của công dân sau đó đăng ký nhiều tài khoản doanh nghiệp. Đáng chú ý, các “pháp nhân ma” lấy tên doanh nghiệp gần giống với các tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng trong nước hoặc giả mạo các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, các cơ quan đoàn thể, tổ chức, quỹ hoạt động từ thiện nhằm gây hiểu nhầm cho người chuyển tiền đến.

Vì vậy, để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi chuyển tiền đầu tư vào các công ty, tổ chức khi chưa rõ thông tin cụ thể xác thực về công ty, tổ chức. Cần tỉnh táo trước lời dẫn dụ làm quen trên mạng và mời chào đầu tư.

Nếu muốn đầu tư hãy đến trực tiếp các cơ quan quản lý để thực hiện việc đăng ký và mở tài khoản, để đảm bảo tính xác thực của việc đầu tư. Lừa đảo thường sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

"Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định", Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo.

Đọc thêm