Tại phiên họp hôm nay, ĐBQH dành trọn một ngày làm việc để thảo luận về Dự thảo Luật đất đai mới nhất được xây dựng trên cơ sở bổ sung ý kiến của cử tri cả nước.
Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận với những quan điểm rất sắc sảo, thuyết phục là câu chuyện thu hồi, bồi thường đất bị thu hồi, đặc biệt là cân đối lợi ích của người dân bị thu hồi đất với lợi ích của doanh nghiệp lấy đất làm dự án kinh tế.
|
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đọc Báo báo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu ý kiến đóng góp về Luật đất đai (sửa đổi) |
Cần trưng mua quyền sử dụng đất của người dân
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng phát biểu: doanh nghiệp và người dân đều là những chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai. Vì vậy, các chủ thể này phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật, cả về quyền lợi và nghĩa vụ.
Nếu chúng ta chỉ quy định thu hồi đất thì rõ ràng chúng ta đang đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ, người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào.
Cũng từ quan điểm này mà theo đại biểu Tp Hải Phòng, cần có cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất.
“Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) năm 1992 Điều 58 quy định "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ", Bộ luật dân sự năm 2005 thì quyền tài sản là tài sản, do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật đất đai (sửa đổi). Sau kỳ họp Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đã tập trung hoàn thiện dự thảo luật tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Đến nay đã có gần 7 triệu lượt ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân về dự thảo luật. |
Vì vậy, khi nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất có cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất”, ông dẫn giải.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý nào để nhà nước thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này. Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không?”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy - Bình Định – lại đề nghị trong trường hợp thu hồi đất có nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nhà nước phải trưng mua, bởi nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của tổ chức và cá nhân thì nhà nước không thể thu hồi lại càng không thể coi đây là việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là hệ quả của quyết định thu hồi đất.
Đại biểu tỉnh Bình Định cũng đề nghị trong trường hợp thu hồi đất để làm dự án mang tính kinh tế đơn thuần vì lợi ích của nhà đầu tư thì để nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Trái ngược với quan điểm của đại biểu tỉnh Bình Định, đại biểu Lê Thị Công - Bà Rịa - Vũng Tàu – cho rằng để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân về giá sẽ không thực hiện được, kéo dài thời gian triển khai dự án, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã có trong kế hoạch và tính khả thi của quy hoạch.
Do vậy, để thuận lợi trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội và tạo được sự đồng thuận của người dân có đất trong dự án và chủ đầu tư, bà thống nhất việc tư vấn định giá đất theo nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 110 của dự thảo luật.
Bối rối những quy định về đền bù
Cân nhắc về tính hiệu quả của tiền bồi thường đất khi nhà nước thu hồi, Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông – đề nghị Nhà nước cần chịu trách nhiệm đa dạng hình thức trả tiền bồi thường cho chủ sở hữu quyền sử dụng đất, có thể nhận tiền bồi thường một lần và cũng có thể nhận tiền bồi thường nhiều lần.
Lý do bà đưa ra ý kiến này là vì trên thực tế nhiều trường hợp chủ sở hữu đất khi nhà nước thu hồi thuộc thế hệ người cao tuổi sống nhờ vào tiền cho thuê một phần ngôi nhà, đất đai đang ở. Việc trả nhiều lần có thể được xem như khoản tiền hưu trí dưỡng già giúp cuộc sống người cao tuổi ổn định khi không còn nguồn thu nhập do nhà nước thu hồi nhà ở, đất đai.
“Tôi cho rằng thủ tục thực hiện nội dung này cũng không quá phức tạp, nhưng nhờ thế mà giữ vững vị thế và nguồn sống của người cao tuổi trong xã hội hiện nay, khi người cao tuổi đối diện trước vấn đề nan giải là nhà nước thu hồi nhà ở, đất đai đang cư trú”, bà nói.
Ở một góc độ khác của việc thu hồi đất, ĐB Huỳnh Văn Tiếp - TP Cần Thơ- đề nghị Quốc hội xem xét làm rõ trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội do chính quyền địa phương quyết định.
"Thật xót xa khi người dân bị thu hồi hàng chục ngàn ha, sử dụng ổn định hàng chục năm, nhưng không đủ để mua vài chục m2 của nhà đầu tư. Luật đã quy định chỉ thu hồi đất khi “thực sự cần thiết” nhưng trong các dự án hiện này, chỉ có nhà đầu tư thấy “thực sự cần thiết” nhưng chưa ai hỏi ý kiến người dân để biết nó có “thực sự cần thiết” hay không", Ý kiến phát biểu của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). |
“Vì thực tế trong thời gian qua, các cấp chính quyền lợi dụng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quy hoạch đất, thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất đai, ra quyết định thu hồi đất của người dân giao cho nhà đầu tư tư nhân trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án kinh tế, đô thị, khu dân cư một cách tràn lan, gây lãng phí đất đai. Tôi đề nghị vấn đề này Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên lấy phiếu xung quanh dự án phát triển kinh tế do địa phương quyết định”, ông nói.
Liên quan đến phương án bồi thường khi thu hồi đất, phần lớn các đại biểu đều đưa ý kiến cần phải có những biện pháp thích hợp hơn.
“Ban soạn thảo cần nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng, đất đổi đất, nhà đổi nhà, người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thêm kinh phí để người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Nhà nước cũng cần nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất”, một ĐB Tp Hải phòng có ý kiến.
“Tôi đánh giá nội dung về giá đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này vẫn là một điểm nghẽn, thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, không có bước đột phá căn bản. Các quy định về giá đất trong dự thảo luật vẫn nghiêng nhiều về bảo vệ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu trong việc áp đặt giá đất.” ông thẳng thắn nói.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng cũng nhận định việc quyết định giá đất trong thời gian qua thường không khách quan, dễ bị lợi dụng sinh ra tiêu cực. Tôi đề nghị cần tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc phục ngay trong luật tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để mua lại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác, giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, nhất là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư và nông thôn.
“Đề nghị khi nhà nước thu hồi đất ở, cần xem xét trường hợp bồi thường khi giá đất quá thấp mà chi phí đầu tư trên đất lại rất cao”, là ý kiến của ĐB Nguyễn Công Bình - Yên Bái
Ví dụ ông đưa ra là tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giá đất ở rất thấp, trong khi chi phí san tạo mặt bằng rất cao. Chi phí san tạo mặt bằng cho một mét vuông có thể gấp 5 đến 10 lần giá đất bồi thường cho một mét vuông đất ở.
“Trong luật nên có quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét những trường hợp có chi phí đầu tư quá cao để bồi thường, hỗ trợ giảm bớt thiệt thòi cho người dân", ông Bình đề nghị.
Nhật Thanh