Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, ngày 29/4, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P) khẳng định mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-/B, triển vọng Ổn định, không thay đổi so với mức xếp hạng do S&P đã công bố vào tháng 3/2015.
Triển vọng Ổn định phản ánh tăng trưởng kinh tế và các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được cơ quan này cũng như cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá tốt và có triển vọng cải thiện.
Các yếu tố được S&P đánh giá tích cực, góp phần duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bao gồm: Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng nền kinh tế tương đối đa dạng và có tính linh hoạt. Thu nhập bình quân đầu người ước tính là 2.200 USD vào năm 2016. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định ở mức tương đối cao là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong 2 năm qua, các kế hoạch, chính sách về phát triển kinh tế xã hội là phù hợp nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả ở mức thấp. Tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn kiều hối ổn định và có xu hướng tăng cũng nhưn lợi thế so sánh về chi phí nhân công so với các nước trong khu vực tiếp tục là những nhân tố giúp cải thiện cán cân thanh toán và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Một số yếu tố mà S&P cho rằng cần có sự quan tâm trong thời gian tới là: kiểm soát bội chi ngân sách, tốc độ gia tăng nợ công mặc dù mức độ nợ công của Việt Nam là không lớn và vấn đề nợ xấu của khu vực ngân hàng.
Đây cũng chính là những vấn đề mà Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã nhìn nhận và có kế hoạch cải thiện trong giai đoạn từ nay đến 2020, trong đó đặt mục tiêu và có giải pháp để kiểm soát và đưa bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 4% GDP, kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công để đảm bảo trong giới hạn trần 65% GDP.