Thu thuế VAT với hoạt động thư tín dụng: Không dễ bóc tách!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định không có chuyện hồi tố trong thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với hoạt động thư tín dụng (L/C) và ngân hàng chỉ phải nộp thuế đối với phần thanh toán. Nhưng để bóc tách được đâu là phần gắn với tín dụng, đâu gắn với thanh toán không đơn giản.
Thuế giá trị gia tăng  là thuế gián thu, ngân hàng thu hộ khách hàng.
Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, ngân hàng thu hộ khách hàng.

Liệu có khả thi?

Ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có Công văn 1606/TCT-DNL (Công văn 1606) chỉ đạo các cục thuế địa phương với nội dung: Từ thời điểm Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 có hiệu lực, L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán, do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định, nên đề nghị các cục thuế rà soát hướng dẫn các TCTD trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khẳng định, nội dung chỉ đạo tại Công văn 1606 chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng (NH), ảnh hưởng đến cả NH và doanh nghiệp (DN).

Theo đại diện VNBA, Luật Các TCTD có hiệu lực từ năm 2011, đến nay việc rà soát, thống kê các hoạt động L/C trong khoản thời gian dài như vậy là bất cập. “Thuế GTGT là thuế gián thu, NH thu hộ khách hàng. Những khách hàng đến nay có thể còn hoạt động nhưng nhiều khách hàng giải thể, phá sản. Số liệu có NH còn lưu nhưng cũng nhiều NH, chi nhánh đã chia tách, sáp nhập nên để nắm bắt là vô cùng khó”, ông Hùng nói.

Đại diện Công ty CP May 10 cho rằng, L/C chỉ là một phương thức thanh toán và cần thống nhất câu chữ để DN dễ dàng thực hiện. “Đối với DN chủ yếu xuất khẩu như May 10, hoàn thuế thường xuyên, trong đó chi phí NH được hoàn thuế là dài nhất trong bảng kê. Do vậy, việc hồi tố thuế L/C sẽ không làm tăng thêm ngân sách cho quốc gia”, đại diện DN này cho biết và đề nghị các cơ quan quản lý nên có giải pháp để giảm bớt chi phí, thủ tục kê khai đầu vào, đầu ra cho DN.

Sẽ không hồi tố

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Nói Công văn 1606 của Tổng cục Thuế yêu cầu các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C bất kể có bảo lãnh hay không có bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT từ ngày 1/1/2011 là chưa đúng.Vị này cho rằng, quá trình rà soát việc thực hiện Luật Thuế GTGT và các pháp luật liên quan đối với nghiệp vụ L/C cho thấy sự không thống nhất trong nhận thức cũng như thực thi. Cơ quan Thuế (CQT), NH mỗi nơi thực hiện một khác. Do đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các CQT địa phương rà soát xem các NH đang thực hiện như thế nào để hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định pháp luật. 

Ông Phụng cho biết thêm, Luật Thuế GTGT 1997, 2008 đều khẳng định các hoạt động tạo lập vốn, cho vay, bảo lãnh… đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Và tại Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 (Công văn 11754) của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT đối với khoản thu dịch vụ cấp tín dụng bảo lãnh cũng quy định L/C là một hình thức tín dụng.

Các TCTD có năng lực quản trị tốt (Vietcombank, VietinBank…) ngay từ năm 2010 đã xác định rõ: Nghiệp vụ nào thuộc tín dụng (bảo lãnh) thì không nộp thuế GTGT, còn nghiệp vụ nào là dịch vụ thông thường (nhận thông báo, phát hành thông báo) thì các TCTD đã kê khai nộp thuế GTGT: “Hiện CQT và các NH đang cùng nhau xem lại, phần nào gắn với tín dụng thì khoanh lại không phải nộp, phần nào gắn với thanh toán thì nộp thuế GTGT. Các NH đều đang phối hợp mở lại sổ sách, dữ liệu để phân tích hoạt động L/C…”, ông Phụng cho biết và khẳng định, không có chuyện hồi tố, vấn đề là xử lý như thế nào cho đúng luật.

Còn theo Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, trong trường hợp L/C ký quỹ 100% thì đây là hoạt động thanh toán. Nhưng trường hợp L/C ký quỹ từ 99% trở xuống, NH phải làm thủ tục thẩm định, đánh giá hồ sơ, cho vay bắt buộc thì đây là khoản cấp tín dụng. Ông Hùng nhìn nhận, đây là tính chất “lưỡng tính” của nghiệp vụ L/C, vừa là hình thức cấp tín dụng - NH đóng vai trò là NH phát hành/xác nhận L/C..., vừa là hoạt động thanh toán - NH đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán mà không cam kết thanh toán.

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Nguyễn Xuân Bắc cũng cho rằng L/C là hoạt động “lưỡng tính”, vừa mang tính chất tín dụng, vừa mang tính chất thanh toán.  Song bản chất tín dụng của L/C là không thể phủ nhận.

Cũng theo đại diện NHNN, thực tế khi Bộ Tài chính có Công văn 11754, các TCTD vẫn thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn về thuế đối với nghiệp vụ L/C. “Chúng tôi đề nghị không truy thu thuế L/C từ năm 2011. Nếu thực hiện theo Công văn 1606 sẽ tăng gánh nặng cho NH. Bởi, nếu phải nộp bổ sung thì việc phải tìm lại khách hàng sẽ không khả thi vì nhiều DN đã phá sản hoặc không còn giao dịch; truy thu thuế khách hàng từ 10 năm trước sẽ tạo áp lực lên việc kê khai và điều chỉnh thuế của khách hàng; truy thu thuế và tiền phạt (nếu có) sẽ tăng gánh nặng cho NH trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp…”, ông Bắc nhấn mạnh và cho biết, phần lớn các nước trên thế giới không thu thuế với L/C, một số nước thu thuế trực thu.

Đọc thêm