Không thu phí học sinh học phụ đạo tại trường
Theo Thông tư 29, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh... Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh; ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh mặc dù không có nguyện vọng, không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp dạy thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức.
Trước khi Thông tư chính thức có hiệu lực, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện này đã “nóng” trên các diễn đàn. Thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, một bộ phận phụ huynh bức xúc vì con bị ép học thêm, tốn kém vì học thêm mà không thấy lợi ích, mệt mỏi, quá tải vì học thêm. Ở góc độ khác, khi Thông tư được ban hành, có phụ huynh lại “hoang mang” vì con không được học thêm nếu trường không tổ chức, thầy cô không dạy thêm nữa.
Giữ gìn hình ảnh, tôn nghiêm của nhà giáo
Về phía giáo viên, nhiều thầy cô cho rằng, Thông tư nếu ra sớm hơn như vào thời điểm đầu năm học để nhà trường sắp xếp hợp lý, không gây xáo trộn với guồng học thêm, nhất là học sinh cuối cấp ôn thi. Hơn nữa, nếu lương không tăng cao, không có thù lao dạy thêm trong nhà trường sẽ rất vất vả cho các nhà trường...
Thông tin mới nhất về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Thông tư 29 quán triệt 5 nội dung: phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019 và Chương trình giáo dục 2018; hình thành khả năng tự học, xây dựng xã hội học tập suốt đời; học thêm không ảnh hưởng đến học chương trình phổ thông chính khóa trong nhà trường như không cắt xén, trùng lắp; phù hợp lợi ích của học sinh, không ép buộc học sinh học thêm bất cứ hình thức nào; từng bước hình thành phương pháp tự học, thói quen tự học của học sinh. Quy định học thêm tại Thông tư còn nhằm giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và ngành Giáo dục. Thầy cô tâm huyết, chân chính, đủ năng lực không bao giờ có hành vi ép buộc học sinh học thêm. Do đó, quy định minh bạch là bảo vệ tôn nghiêm của ngành và thầy cô.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, lâu nay thầy cô vướng bận chuyện dạy thêm, học thêm phải theo Luật Đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhưng thực chất dạy thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan đến học sinh nên Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành quy định quản lý hoạt động này theo luật chuyên ngành, phù hợp với quy định khác. Theo đó, Bộ GD&ĐT không cấm nhà giáo dạy thêm mà chỉ cấm những hoạt động dạy thêm không đúng quy định.
Quan điểm của Bộ là trong các trường công lập, giáo viên không dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh. Ở trong trường công lập có 3 đối tượng được bổ trợ kiến thức (không phải học thêm): phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh thi cuối cấp. Bởi vậy, Bộ khuyến khích Sở GD&ĐT tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy bổ trợ kiến thức cho 3 đối tượng học sinh này.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, việc dạy thêm, học thêm thời gian qua có hiện tượng giáo viên dạy tốt, tâm huyết cũng bị mang tiếng, tổn thương. Theo ông Thưởng, cần có những giải pháp đồng bộ như: đổi mới kiểm tra đánh giá, chấm dứt tình trạng hỏi xoáy, đáp xoay; bố trí chất lượng giáo viên đồng đều giữa các trường, không tập trung giáo viên tốt về trường điểm (sẽ chấm dứt được tình trạng đi học thêm để thi vào trường điểm). Do đó, các địa phương cần đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh học, cùng đó là giải pháp thanh tra, kiểm tra...
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Công điện nêu rõ: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và hoạt động dạy thêm, học thêm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Hoàn thành việc công bố phương án tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông năm học 2025 - 2026 trong tháng 02 năm 2025 để học sinh, giáo viên và các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động chuẩn bị cho công tác tuyển sinh...
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định. Kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.