Tại buổi làm việc đại diện Sở Tư pháp TPHCM đã báo cáo với Thứ trưởng Mai Lương Khôi những kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Trong lĩnh vực công chứng, báo cáo cho thấy, trong những năm gần đây, pháp luật về hoạt động công chứng ngày càng đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý hình thành mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp các quận, huyện, TP Thủ Đức và phân bổ hợp lý trên địa bàn TP HCM. Tính đến 31/12/2022, TP HCM có 117 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 110 Văn phòng công chứng, 07 Phòng công chứng là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp TP. Hiện có 494 công chứng viên đang hành nghề, trong đó có 65 công chứng viên hành nghề tại 07 Phòng công chứng; cơ sở vật chất và phương tiện làm việc được đảm bảo.
Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về công chứng thông qua việc thành lập Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng TP HCM trực thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý, vận hành Phần mềm quản lý hồ sơ công chứng và Chương trình thông tin ngăn chặn để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động hành nghề công chứng.
Trong lĩnh vực luật sư, tính đến cuối năm 2022, TP HCM có 7.002 luật sư là thành viên Đoàn Luật sư TP HCM, các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân (483 luật sư) và hành nghề tại 1.960 tổ chức hành nghề luật sư trong nước (829 Văn phòng luật sư và 1.131 Công ty luật), 512 chi nhánh, 205 văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và 63 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, TP HCM có 11 Văn phòng Thừa phát lại với tổng số 92 Thừa phát lại, 76 Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại và 63 nhân viên khác. Các Văn phòng Thừa phát lại đều chú trọng việc củng cố tổ chức, nhân sự đúng theo quy định pháp luật, có trụ sở khang trang và đầu tư tốt về trang thiết bị, phương tiện làm việc, xây dựng các quy trình về công tác lưu trữ, quy trình nghiệp vụ lập vi bằng, quy trình tống đạt, quy định về khung giá và mức phí lập vi bằng… đáp ứng tốt cho công việc.
Các lĩnh vực khác như đấu giá, giám định tư pháp, Quản lý, thanh lý tài sản, Trọng tài thương mại, Hòa giải thương mại, Tư vấn pháp luật... đều có những kết quả khả quan, đáng ghi nhận so với cùng kì năm trước.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tư pháp TPHCM cũng chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc đồng thời đưa ra một số kiến nghị đến Bộ Tư pháp.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi biểu dương ngành tư pháp TPHCM thời gian qua đã làm được rất nhiều việc, triển khai nhiều nhiệm vụ giải pháp, được lãnh đạo TP HCM, lãnh đạo Bộ ngành ghi nhận và đánh giá cao bởi sự chủ động sáng tạo, nhiều sáng kiến đột phá. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của các tổ chức nghề nghiệp liên quan đến bổ trợ tư pháp hoạt động trên địa bàn TP.
Thứ trưởng cho biết trong hoạt động bổ trợ, bên cạnh kết quả cũng nổi lên những hạn chế, tồn tại, những biểu hiện suy thoái... Điều này đặt ra yêu cầu về quản lý nhà nước và phát huy vai trò sự quản lý nhà nước trong giai đoạn mới.
|
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Thứ trưởng yêu cầu Sở Tư pháp TPHCM phát huy vai trò, tham gia tích cực vào đề xuất, nghiên cứu sửa đổi về chính sách pháp luật, tham mưu cho UBND TP, đoàn Đại biểu Quốc hội TP trong suốt quá trình xây dựng các văn bản pháp luật.
Thứ trưởng cũng mong muốn các tổ chức hội nghề nghiệp của TP, Đoàn Luật sư TP quan tâm, cất lên tiếng nói trong qua trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi đặc biệt cho rằng, yêu cầu thách thức đặt ra cho ngành Tư pháp trong thời gian tới là chuyển đổi số. “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đang đặt ra yêu cầu rất cao cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Nếu như ngành Tư pháp chúng ta không kịp thời chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu. Vì thế, yêu cầu cho ngành tư pháp, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp là phải nhanh chóng bắt nhịp câu chuyện chuyển đổi số, và các lĩnh vực bổ trợ tư pháp cũng không thể đứng ngoài”, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh.