Thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp sẽ không còn phụ thuộc vào địa giới hành chính?

(PLO) - Sau 5 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp (LLTP), theo thống kê đã có hàng chục thủ tục hành chính có yêu cầu Phiếu LLTP. Tuy nhiên, thủ tục cấp Phiếu lại chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc cải cách thủ tục theo hướng đơn giản hóa đang được Bộ Tư pháp tính đến trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật LLTP. 
Người dân làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

Hơn 80 thủ tục có yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp

Trong 5 năm qua, nhiều pháp luật chuyên ngành khác đã quy định về Phiếu LLTP trong các lĩnh vực của mình. Đến nay, có hơn 80 thủ tục hành chính có yêu cầu Phiếu LLTP như thủ tục về nuôi con nuôi, quốc tịch, luật sư, quản lý cư trú, tổ chức phi chính phủ, khám chữa bệnh, khoa học và công nghệ, hàng không, chứng khoán, bảo hiểm… Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng chủ động yêu cầu Phiếu LLTP phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng, quản lý nhân sự, cho phép nhập cư. Như thế, có thể thấy vai trò và tầm quan trọng của Phiếu LLTP đã được đề cao, tương tự “giấy thông hành” về mặt nhân thân để người dân có thể tham gia vào nhiều hoạt động dân sự của đời sống xã hội.

Có điều, các quy định về cấp Phiếu LLTP hiện hành đang phát sinh một số vướng mắc. Chẳng hạn, thực tiễn triển khai quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 cho thấy quy định này đã bị lạm dụng. Theo đó, một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đã yêu cầu cá nhân là công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam phải nộp Phiếu LLTP số 2 để làm một số thủ tục tại cơ quan đại diện như xin định cư, đăng ký kết hôn... Do vậy, ảnh hưởng phần nào tới chủ trương tái hòa nhập cộng đồng của Đảng và Nhà nước ta, sử dụng Phiếu LLTP không đúng mục đích theo quy định của Luật LLTP, ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân, gây khó khăn cho người dân.

Thủ tục cấp Phiếu cũng gây khó khăn nhất định cho người dân. Cụ thể, theo quy định của Luật LLTP, cá nhân phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP và nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu. Chính phương thức cấp Phiếu này đã làm tăng chi phí và không thuận lợi cho người yêu cầu cấp Phiếu đang học tập, lao 

động, cư trú ở nước ngoài hoặc cư trú ở xa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Ngoài ra, đa số các trường hợp công dân Việt Nam có thời gian thường trú tại nhiều tỉnh, thành phố, có thời gian cư trú ở nước ngoài thì kết quả tra cứu, xác minh của Công an cấp tỉnh thường chậm so với quy định. Nguyên nhân chính của việc chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP cho dân là do có sự “tắc nghẽn” một cửa tra cứu bên Công an tỉnh, phương pháp trao đổi thông tin thủ công, chưa được quan tâm, chú trọng.

Nhằm khắc phục hạn chế trên, ở Trung ương, bên cạnh việc sử dụng Phần mềm Quản lý LLTP do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) xây dựng, Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) cũng nghiên cứu, xây dựng những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin khác như giải pháp “tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu”; giải pháp “Kiềng ba chân”.

Tại các địa phương, một số Sở Tư pháp đã chủ động tiến hành xây dựng Phần mềm riêng để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và thực hiện cấp Phiếu LLTP. Điển hình, Sở Tư pháp TP HCM là một trong những Sở Tư pháp tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý LLTP sớm nhất và hiệu quả nhất. Từ năm 2012, chương trình phần mềm của Sở còn kết nối với Tổng đài Bưu chính viễn thông để nhắn tin điện thoại đến người dân biết kết quả giải quyết hồ sơ LLTP và biết được hồ sơ đang được giải quyết ở giai đoạn nào. Việc nhắn tin qua điện thoại này đã thay thế hình thức thông tin bằng Thư mời, Thư báo cho người dân kịp thời, nhanh chóng. 

Quyết tâm cải cách phục vụ dân

Có điều, đối với việc đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến hiện vẫn còn nhiều bất cập không nhỏ, đặc biệt đối với người đăng ký cấp Phiếu đang sinh sống ở nước ngoài xin cấp Phiếu LLTP số 2. Luật LLTP hiện hành không cho phép ủy quyền nhận kết quả cấp Phiếu LLTP số 2 nên việc trả kết quả cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính là không thể thực hiện được và người đăng ký cấp Phiếu phải về Việt Nam, đến trực tiếp cơ quan tiếp nhận hồ sơ để nhận kết quả.

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế trên, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết, thời gian tới đây sẽ nghiên cứu bổ sung quy định về các phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả yêu cầu cấp Phiếu LLTP; phương thức tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Cụ thể, sẽ đa dạng hóa phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả yêu cầu cấp Phiếu LLTP, cho người dân quyền lựa chọn cơ quan cấp Phiếu LLTP, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp, qua bưu điện hoặc trực tuyến trên cơ sở kết quả thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, gánh nặng, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. 

Ngoài ra, cần mở rộng thẩm quyền cấp Phiếu LLTP cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các Sở Tư pháp, để tạo điều kiện cho người dân có quyền lựa chọn bất cứ cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu nào hoặc thông qua mạng Internet, thông qua bưu điện để xin Phiếu LLTP mà không phải phụ thuộc vào địa giới hành chính. “Người dân ở bất cứ nơi đâu (trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam) đều có thể dễ dàng xin cấp Phiếu LLTP mà không phải đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền để xin Phiếu LLTP” – ông Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở dữ liệu thông tin LLTP chưa thật sự đầy đủ thì yêu cầu cấp Phiếu không phụ thuộc địa giới hành chính có thể sẽ chưa khả thi, dù đây là kiến nghị sửa đổi rất lý tưởng cho người dân. Vì vậy, trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng cần có những quy định mở nhằm tạo thuận lợi tối đa cho những trường hợp công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài có thời gian sinh sống ở Việt Nam và hiện đã về nước có thể xin cấp Phiếu LLTP một cách thuận tiện, kể cả xin cấp Phiếu LLTP số 1 và số 2 đều không phải về Việt Nam. Đặc biệt là việc cần có những quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng về tính hợp lệ của bản điện tử (bản chụp, scan) của các giấy tờ công dân do người đăng ký cấp Phiếu cung cấp trên hệ thống đăng ký trực tuyến.

Đọc thêm