Dùng vốn nhà nước dẫn dắt các nguồn vốn
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) về việc đẩy mạnh kết cấu hạ tầng, Thủ tướng cho biết: Phát triển hạ tầng là vấn đề mà trong những ngày vừa qua, trong thảo luận và chất vấn, có rất nhiều đại biểu đề cập. Hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng phát triển KTXH như y tế, giáo dục, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu…
|
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang). |
Về giải pháp phát triển hạ tầng, "trước hết phải tổng kết, rà soát lại việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng phù hợp, nhất là quy hoạch hạ tầng gắn với quy hoạch, phát triển KTXH, chủ trương đường lối chính sách của Đảng tại Đại hội XIII", Thủ tướng nói.
Nêu 5 yêu cầu để phát triển hạ tầng, Thủ tướng nhấn mạnh đến nguồn lực (nhân lực và vốn). Do đó, phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng. Đồng thời, huy động nguồn vốn để phát triển hạ tầng gồm cả vốn nhà nước và tư nhân, trong đó nguồn vồn nhà nước làm vốn mồi, kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn vốn.
Theo Thủ tướng, phải có công nghệ phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành… Công tác quản trị trong phát triển hạ tầng phải bảo đảm quản trị để không lãng phí, chống tiêu cực, công khai minh bạch trong phát triển hạ tầng. Cùng với đó, còn có các giải pháp khác phối hợp với nhau để phát triển hạ tầng.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh). |
Thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đặt câu hỏi cho Thủ tướng về các chính sách hỗ trợ thời gian tới với người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng nêu rõ: Vừa qua, chúng ta thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để Chính phủ và các cơ quan đề xuất cấp có thẩm quyền và chủ động triển khai các chính sách.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập như các đại biểu đã đề cập và các Bộ trưởng đã trả lời trong những ngày vừa qua. Vì thế, thời gian sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết phải rà soát, đánh giá lại những việc đã triển khai, cái gì chưa được, những việc đã làm được, phân tích các nguyên nhân, trên cơ sở đó, rà soát lại các đối tượng, phạm vi, mức độ hỗ trợ, định ra chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh tiêu cực, lợi dụng chính sách, bỏ sót đối tượng, hoặc các vấn đề bất cập như đã chỉ ra.
Hiểu rõ hơn về dịch bệnh để tự tin chuyển trạng thái
|
Đại biểu Mai Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) |
Đại biểu Mai Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) hỏi Thủ tướng về chương trình hành động ứng phó dịch bệnh trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết: Dịch bệnh COVID-19 không những ảnh hưởng tới nước ta mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới. Sau gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu rõ hơn về dịch bệnh để dần dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thủ tướng lưu ý, mặc dù chúng ta chưa tiến hành tổng kết đầy đủ, toàn diện, nhưng đã rút ra được một số kinh nghiệm, đưa ra được các trụ cột phòng chống dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị.
“Dịch bệnh làm bộc lộ yếu kém là hệ thống y tế dự phòng và cơ sở, cần củng cố bằng các biện pháp khác nhau. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi là phải đầu tư cho nguồn nhân lực, dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm, nhưng đào tạo ngành y phải nhiều năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực, do đó phải tập trung cho đào tạọ nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực này tới cơ sở”, Thủ tướng cũng nêu rõ.