Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch COVID-19

(PLVN) - Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” sáng 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang chiều 29/5/2021 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, Thủ tướng chỉ rõ, mục tiêu của cuộc chiến phòng chống COVID-19 là "Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết.

Quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt cao điểm của đợt dịch bệnh bùng phát lần này, trước mắt tập trung cao độ tại các địa bàn có ổ dịch đang diễn biến phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM,  Hà Nội...

Tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt an ninh, an toàn, an dân. Tổ chức kết thúc thành công năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị tốt nhất cho năm học 2021 - 2022"

Đưa giải pháp kịp thời, mạnh dạn thí điểm

Thủ tướng nêu rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết định, giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Những vấn đề mới, khó, nhạy cảm chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Theo đánh giá tại cuộc họp, thời gian qua, về tổng thể cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên cục bộ một số địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM.
Đặc biệt là tình hình lây nhiễm trong các khu công nghiệp, từ khu công nghiệp ra cộng đồng và ngược lại; dịch cũng lây lan ở những địa điểm tụ tập đông người liên quan đến hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác nên rất khó kiểm soát.

Quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vaccine tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác. Giao các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ và Ngoại giao đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vaccine và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của nước ngoài.

Tăng cường tuyên truyền, tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả, trước hết ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu và các địa bàn trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, TP HCM, một số địa phương có nguy cơ cao và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm; chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia việc tiêm vaccine.

Chú trọng công tác phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm “5k + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch. Quán triệt tư tưởng chủ đạo là phòng bệnh chủ động, tích cực, thường xuyên, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép. Rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục để quản lý công tác cách ly tập trung, theo dõi chặt chẽ y tế sau cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, đặc biệt là mua vaccine vì đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn chế, khó khăn. Kêu gọi, khuyến khích mọi cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng Quỹ vaccine.

Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước và cùng chia sẻ khó khăn chung. Tổ chức công đoàn các cấp chủ động tham gia tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân, người lao động.

 Thủ tướng gửi lời thăm hỏi tới đồng bào, đồng chí của tỉnh Bắc Ninh, tin tưởng Bắc Ninh sẽ thành công trong việc ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế. Ảnh chụp  tối 29/5/2021: VGP/Nhật Bắc

Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các nhà máy xí nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội... có đủ điều kiện có thể nghiên cứu, thực hiện cách ly tập trung tại chỗ theo đúng các quy định để vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, hợp lý hiệu quả.

Cần đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ, thông cảm, được truyền cảm hứng để tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

Kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn với phương châm “Ba không"

Để tổ chức thực hiện, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chủ trì chỉ đạo chung công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại TP HCM; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Bộ Y tế chủ động huy động các nguồn lực tại các cơ sở đào tạo y khoa, tham gia hỗ trợ cho các lực lượng phòng chống dịch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức kết thúc tốt đẹp năm học 2020 - 2021; đồng thời chuẩn bị thật tốt cho việc khai giảng năm học 2021 - 2022 đúng quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay việc nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai thực hiện các biện pháp công nghệ để góp phần phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “Ba không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”, nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Các địa phương chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân./.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đợt dịch lần thứ tư này bùng phát do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan là chính.
Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì ung dung, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng khi có dịch thì lúng túng, bị động, hoang mang, lo sợ, không nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để có các biện pháp phù hợp; một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, biến chủng của virus đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn.

Đọc thêm