Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Luật Đầu tư công (số 49/2014/QH13) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, trong đó có việc một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ.
Ngoài ra, Luật Đầu tư công còn tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch.
Toàn cảnh phiên họp (ảnh: Chinhphu.vn) |
Vì vậy, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu là: (1) Nhóm chính sách về quy định chung; (2) Nhóm chính sách về quản lý dự án; (3) Nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó tập trung chủ yếu vào phạm vi điều chỉnh; các quy định về lĩnh vực đầu tư công; phân loại dự án đầu tư công; bổ sung lĩnh vực đầu tư công; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia; điều kiện quyết định chủ trương đầu tư; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án thuộc các nguồn vốn do các cấp, cơ quan khác nhau quản lý; trình tự lập, thẩm định, quyết định dự án chuẩn bị đầu tư và dự án quy hoạch; phân loại kế hoạch đầu tư công; trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, 3 năm cuốn chiếu và hằng năm và nhiều vấn đề khác.
Phát biểu kết luận về dự án Luật nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Luật Đầu tư công là một tiến bộ trong quản lý, nhưng thực thi trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều điểm khó áp dụng và việc sửa đổi Luật Đầu tư công hiện hành là cần thiết. Thủ tướng đồng tình với ý kiến đề xuất của Cơ quan chủ trì soạn thảo và các thành viên Chính phủ là chuyển tên gọi của dự án Luật từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung các quy định đối với các dự án đầu tư công của nước ta nhưng thực hiện tại nước ngoài. Đồng thời, làm rõ hơn các khái niệm về đầu tư công; cần có quy định rõ hơn, bảo đảm sự đồng bộ giữa luật này với các luật liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu. Có quy định cụ thể về phân cấp quản lý từng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng bộ với nhiệm vụ chi, quy trình lập, xây dựng dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước; những vấn đề chưa chắc chắn thì không đưa vào dự án Luật.
Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm, việc lập kế hoạch đầu tư công phải sát với khả năng ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, nợ đầu tư, mất cân đối trong đầu tư. “Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn Phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội về dự án Luật này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.