Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban của QH và các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật; xác định đầu tư cho công tác xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án Luật; Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định, Thủ tướng đã ban hành 90 quyết định quy phạm.
Tại các kỳ họp của QH khóa XV đã thông qua số lượng lớn các luật, nghị quyết; trong đó riêng tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, QH đã thông qua 11 luật, 2 nghị quyết quy phạm, Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và 9 nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội.
“Đây là khối lượng rất lớn. QH, Chính phủ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với tính cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng đầu tư kinh doanh”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng, ban hành các luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn.
“Thực tế, thời gian qua, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn những vấn đề mà chúng ta cần phải điều chỉnh để khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt liên quan đến những động lực tăng trưởng mới như động lực tăng trưởng về chuyển đổi số, động lực tăng trưởng về chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, về kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…”, Thủ tướng nói.
Khẳng định việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tế là đòi hỏi khách quan, Thủ tướng cho rằng việc tổ chức Hội nghị là hết sức cần thiết, đúng đắn nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành một cuộc sống; làm rõ những kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai một số luật đã được QH thông qua.
Cùng với đó, lắng nghe ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành, địa phương về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực tế cũng như trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật; rút kinh nghiệm về những việc cần làm trong quá trình xây dựng pháp luật để chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên, vừa đáp ứng được số lượng nhưng chất lượng cũng được coi trọng; quán triệt Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề cần thực hiện để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thực thi pháp luật, giữa việc xây dựng số lượng và chất lượng pháp luật để đảm bảo pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, trao đổi các vấn đề quan trọng, đề xuất giải pháp khả thi, thiết thực, góp phần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác triển khai, đưa các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai các luật, nghị quyết như công tác tổ chức triển khai còn chậm, tình trạng nợ đọng chậm ban hành văn bản chi tiết, công tác rà soát văn bản pháp luật chưa được quan tâm đúng mức…
Theo Nghị quyết của QH, Chính phủ được giao bảo đảm bảo đảm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8/2024. Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đến ngày 29/7, các nghị định liên quan đến việc thi hành các luật này đã ban hành xong. Các thông tư cũng cơ bản đã ban hành xong để thực hiện. Các văn bản được hoàn thành nhanh và đảm bảo chất lượng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cơ quan.