Ngày (27/9), tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Cần đổi mới tư duy, hành động
Phát biểu khai mạc phiên tổng thể của Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các cuộc hội nghị chuyên đề ngày 26/9, với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thảo luận thẳng thắn, góp nhiều ý kiến cơ bản cho việc phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt.
Thủ tướng cho biết, ngày 26/9, ông đi khảo sát dọc sông Hậu và bờ biển sạt lở của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. "Tôi đã thấy thực tiễn đang đặt ra và thấy được thành công quan trọng của các giải pháp phi công trình và một số giải pháp công trình trong thích ứng với BĐKH; đặc biệt thấy được sự đa canh của bà con ta. Người dân đã thấy được, tự chuyển đổi, tự tổ chức lại sản xuất”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nhìn một cách khái quát, nếu chúng ta không biết tổ chức tốt công việc, chúng ta phải trả giá đắt với thiên nhiên và hiện tượng mà chúng ta thấy là sự sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, sụt lún… chủ yếu do con người tạo ra.
“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai xán lạn. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta” – Thủ tướng tin tưởng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hóa thành các hành động, thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với “lũ”. “Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà chỉ là thách thức” - Thủ tướng nhìn nhận.
Thủ tướng cho biết thêm, hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%; thời gian tới Ngân hàng thế giới (WB) sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, chống ngập mặn trong vùng...
Thủ tướng mong muốn các đại biểu thảo luận tập trung vào những vấn đề trọng tâm như: xác định rõ tất cả thách thức mang tính sống còn mà ĐBSCL đang đối mặt và phải vượt qua trong thời gian tới; cần xác định đâu là các nhóm giải pháp cấp bách, chiến lược lâu dài cho vùng ĐBSCL; hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tạo đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...
Cần có cơ chế “đột phát” thu hút kinh tế tư nhân...
Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ. Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 độ C, nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5-20% ở đa số khu vực.
Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775 km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm.
Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đưa ra 4 giải pháp cho khu vực ĐBSCL phát triển bền vững. Trong đó Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh, phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, phải coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nước ngọt. Khi chuyển đổi mô hình cần có tầm nhìn dài hạn, phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý, sự phát triển của ĐBSCL phải được nhìn ở một thể thống nhất có mối liên kết với các vùng kinh tế như TP HCM. Phải lấy tài nguyên nước là yếu tốt cốt lõi, trung tâm. Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và đồng bằng cũng cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này. Đồng thời, cần cơ chế “đột phát” thu hút khối kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị, cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trong giai đoạn tới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng phó BĐKH cả về công trình, phi công trình; rà soát lại các nguồn vốn trong trung hạn để ưu tiên đầu tư trước cho các dự án trong danh mục “không hối tiếc”...
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng phó với BĐKH; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường đầu tư để thu hút đầu tư vào khu vực, kết hợp huy động nguồn lực bên ngoài kết hợp với nguồn lực tại chỗ. Cũng như xây dựng chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng ĐBSCL trên cơ sở quy hoạch tích hợp; tăng mức hỗ trợ cho vùng để đầu tư cho các dự án ưu tiên; nghiên cứu cơ chế đặc thù để thu hút các dự án ODA...