Thủ tướng: Còn thiệt hại vì thiên tai do chủ quan

(PLO) - “Thủy hỏa, đạo tặc, lũ lụt, cháy nổ như là giặc” nhưng nhận thức về điều này vẫn kém, còn tình trạng chủ quan trong điều hành. Đã chủ quan thì thiệt hại sẽ lớn” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định như vậy tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 diễn ra chiều qua 17/4.
Huyện Cần Giờ (TP HCM) tổ chức việc sơ tán, di dời dân ở xã Đảo Thạnh An và các vùng nguy hiểm về nơi trú bão an toàn. (Ảnh: Thanh Vũ/ phongchonglutbaotphcm.gov.vn)

Dự báo vẫn dựa vào… kinh nghiệm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, năm 2016, thiên tai đã gây thiệt hại vật chất tại nước ta ước tính lên đến gần 40.000 tỷ đồng với 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi; 828.661ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá, giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115km đê, kè, 938 kênh mương, 122 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở…; đã có 264 người chết và mất tích.  

Nguyên nhân thiệt hại vì thiên tai không giảm được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ ra là do công tác dự báo chưa chính xác, chưa kịp thời, phương tiện cứu hộ, cứu nạn thiếu và yếu, cùng với đó, “thiếu biện pháp dài hạn trong phòng chống. Chậm trong di dời dân ở vùng nguy hiểm, thậm chí còn có biểu hiện chủ quan”.

Từ kinh nghiệm năm 2016, Lào Cai đã có 34 người bị chết do thiên tai, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng thấy công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đang yếu vì “vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm là chính. Chưa có phương tiện hiện đại cảnh báo, dự báo nên thiên tai đến bất ngờ là điều khó tránh”. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn mong muốn có công trình tiêu thoát lũ cho hạ du vì hiện khả năng tiêu thoát lũ rất chậm.  

Đại diện các địa phương từng chịu ảnh hưởng của thiên tai đề nghị được trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn “phù hợp với địa phương” để không còn tình trạng, phương tiện cứu hộ đưa về địa phương “chỉ để đi chơi”. Đồng thời, Chính phủ cần điều tiết hoạt động hỗ trợ, cứu trợ sau thiên tai để đảm bảo công bằng, giúp địa phương vực dậy cuộc sống của người dân sau thiên tai… Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề cập đến chất lượng, tiến độ thi công các công trình khắc phục bão lũ cần kịp thời vận hành, không thể cứ chờ đúng quy trình…

Không chủ động khó xử lý khi có thiên tai

Dẫn chứng  Luật PCTT có hiệu lực từ 1/5/2014 mà nay chưa xong kế hoạch PCTT cấp quốc gia, nhiều địa phương chưa có kịch bản cụ thể ứng phó thiên tai, chưa cập nhật hiện tượng thời tiết cực đoan, phương châm 4 tại chỗ vẫn còn hình thức, nhiều công trình giao thông gây cản lũ, Thủ tướng yêu cầu “cần nhìn thẳng vào yếu kém trong công tác PCTT” để có giải pháp phù hợp, tích cực và khẩn trương hơn.

Tiếp tục nêu ra một loạt nghịch lý trong công tác PCTT như hồ chứa thủy điện gây lũ mà vẫn nói xả đúng quy trình, hạn hán không có nước cứu hạn, lũ lụt diễn ra ngay ở những TP ven biển, nhiều dự báo còn “gây bất ngờ” lớn…, cùng với việc quy trình hỗ trợ khắc phục thiên tai còn chậm, máy móc trong điều hành, nhiều địa phương hỗ trợ chưa minh bạch, dân chưa đồng tình…, Thủ tướng nhấn mạnh:  “Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tác động rất lớn biến đổi khí hậu. Tinh thần 4 tại chỗ, giáo dục ý thức cho người dân đặc biệt quan trọng. Bão lũ đến thì khó xử lý nếu không chủ động. Công tác PCTT cần vào cuộc của cả hệ thống chính trị với phương châm phòng ngừa là chính”.

Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thành lập, thu quỹ PCTT và sử dụng đúng mục đích, triển khai ngay việc rà soát công trình PCTT, khu dân cư, vùng kinh tế trọng điểm; khẩn trương rà soát, đánh giá quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá các công trình đê điều, thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công để có giải pháp xử lý đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa lũ năm 2017…

Đọc thêm