Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ. Theo nhận định chung của nhiều đại biểu, các báo cáo là “tiền đề” cho khóa tới hoạt động hiệu quả hơn.
Xây dựng nền tư pháp bảo vệ công lý
Góp ý vào Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, ĐBQH đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực tư pháp. Với những kết quả như Chủ tịch nước đã đạt được trong việc chỉ đạo các cơ quan tư pháp xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận xã hội quan tâm, khẩn trương minh oan, đền bù, xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng..., đã “góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân” - ĐBQH đánh giá.
Cũng trong lĩnh vực tư pháp, góp ý Báo cáo về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ QH khóa XIII và Báo cáo của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND), ĐBQH đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Tòa án nhân dân (TAND), VKSND các cấp trong nhiệm kỳ, đề ra nhiều giải pháp khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác, do đó đã tháo gỡ được nhiều vụ án oan, sai. Song, theo ĐBQH, TAND và VKSND các cấp cần làm tốt hơn nhiệm vụ xét xử và kiểm sát trong nhiệm kỳ tới, có giải pháp khắc phục được một số hạn chế, thiếu sót, hướng đến xây dựng nền tư pháp bảo vệ công lý.
Chính phủ đã rất quyết liệt
Một trong những điểm được ĐBQH “chấm” cao trong Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tách bạch giữa đánh giá của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) còn đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng “chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng dữ tài chính”.
“Chính phủ đã rất quyết liệt, phản ứng rất nhanh trước các tình huống, thể hiện vai trò hành pháp rõ nét. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ xử lý được nhiều vấn đề tồn đọng của nhiệm kỳ trước”, ông Thông đánh giá.
Cùng với đó, nhiều ý kiến tán thành với Báo cáo của Chính phủ khi đã thẳng thắn nhìn nhận năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.
Nhiều vấn đề trong công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được ĐBQH phân tích, đánh giá, góp ý như vấn đề thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng..., công tác dự báo, lãnh đạo, điều hành chính sách tài khóa, giảm nợ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư an sinh xã hội…
Đổi mới mạnh mẽ để tăng hiệu quả giám sát
Trong số những kết quả, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh đến những hạn chế, tồn tại được coi là “điển hình” của nhiệm kỳ. Đó là việc vẫn phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dù “cần phải có tính ổn định để các cơ quan chức năng, ban soạn thảo chủ động trong việc thực thi” - ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận xét.
Cùng với đó, ĐBQH đề nghị QH quan tâm đến những yếu tố đảm bảo “tuổi thọ” của các dự án luật, nhất là chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Nhấn mạnh đến yêu cầu thay đổi công tác giám sát của QH, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: “Nếu báo cáo tròn trĩnh như thế thì đó là hồng phúc của dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều án oan sai”. Vì vậy, cần thay đổi mạnh mẽ hơn công tác giám sát, không thể để tình trạng “cả đoàn đi giám sát nhưng không kết luận được cái gì” nhằm phát huy hiệu quả công tác giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất này.