|
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự Phiên họp có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
|
Thủ tướng tham quan trưng bày sách, báo về hoạt động ngoại giao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự sự kiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
|
Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 khai mạc ngày 19/12 với chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng".
Theo Bộ Ngoại giao, từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam".
|
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Cụ thể, đã tổ chức quán triệt, triển khai một cách đồng bộ và thống nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về ngoại giao kinh tế; đã phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện tốt chủ trương "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ" trong các hoạt động ngoại giao kinh tế; triển khai ngoại giao kinh tế có nhiều mặt được đổi mới, sáng tạo hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng của các ngành, các cấp.
Đóng góp quan trọng vào các thành tựu chung của ngành ngoại giao, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Phiên họp toàn thể sẽ tập trung thảo luận hai vấn đề: Thứ nhất, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế, nhất là làm rõ những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Thứ hai, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế, trong đó làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm./.