Công nhận rằng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung, thống nhất, quyết liệt trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp…
Tuy nhiên, việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của nhiều cơ quan không nghiêm. Nhiều công việc nêu trong các chương trình hành động, nghị quyết của Chính phủ, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành khác chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.
Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều bộ, cơ quan, địa phương về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được quan tâm đúng mức.
Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật Cán bộ công chức (Luật số 22/2008/QH12). Theo Luật, “ý thức tổ chức kỷ luật” trở thành nghĩa vụ của cán bộ, công chức. Bước vào thế kỷ XXI, ngày 17/09/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 (Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg).
Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 xác định “Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng CCHC chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”. Có nghĩa là chúng ta đã CCHC hơn 15 năm, có rất nhiều hội nghị hoành tráng, báo cáo hay… và tốn kém không ít tiền của của nhân dân. Kết quả là rất ít nhúc nhích.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị số 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, yêu cầu chấn chỉnh việc nhiều cơ quan chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời ông yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu, quy trách nhiệm cụ thể việc để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh...
Chúng ta hoan nghênh Thủ tướng! Không thể diễn mãi vở kịch “trên bảo dưới không nghe” và “hòa cả làng”.