Thủ tướng lưu ý loạt việc các tỉnh cần làm nghiêm để nâng cao hiệu quả chống dịch

(PLVN) - Kết luận cuộc họp trực tuyến với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố, sáng nay, 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những số nội dung các địa phương phải hết sức lưu ý trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị.

Cụ thể, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, thứ nhất, khi áp dụng Chỉ thị 16, các địa phương phải thực hiện thật nghiêm, thật chặt các biện pháp giãn cách xã hội, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Lực lượng công an, quân đội hỗ trợ nhiệm vụ này.

Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực giãn cách xã hội, không để bất cứ người dân nào đứt bữa, thiếu ăn, thiếu mặc. Thủ tướng lưu ý cần quan tâm 3 đối tượng cụ thể: Các đối tượng có điều kiện kinh tế nhưng cần giúp đỡ; các hộ gia đình gặp khó khăn, bị đứt bữa; những người lang thang, cơ nhỡ.

Thứ ba là công tác thu dung, điều trị, giảm tử vong, giảm ca bệnh nặng. Để làm việc này, phải thực hiện giãn cách xã hội thật tốt, ngăn chặn lây lan, giảm F0; bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, phân loại, điều trị, chăm sóc phù hợp ở các tuyến, không để quá tải tuyến trên; kết hợp đông y với tây y, cổ truyền với hiện đại trong điều trị…

Thứ tư, các địa phơng và cấp ngành liên quan phải thực hiện tốt chiến lược 5K+vaccine và thuốc, các biện pháp công nghệ. Tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả, toàn diện theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Thủ tướng lưu ý việc tiêm vaccine và xét nghiệm cho các shipper để bổ sung lực lượng vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân.

Thứ năm, bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng công an tham gia, hỗ trợ nhiệm vụ này.

Thứ sáu, huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, kêu gọi, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.

Thứ bảy, nghiên cứu di dời, sơ tán một số người dân từ những nơi có mật độ dân số cao trong "vùng đỏ" sang những nơi an toàn, thông thoáng để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này. Đây là kinh nghiệm đã được thực hiện tốt tại một số tỉnh phía Bắc và TP HCM đã triển khai.

Thứ tám, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Thủ tướng lưu ý, ưu tiên chống dịch nhưng không được bỏ quên các nhiệm vụ quan trọng thường xuyên khác như xây dựng Đảng, phòng chống tiêu cực, tham nhũng…

Thứ chín, bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trên toàn quốc. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra xe chở hàng tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; không ban hành quy định riêng, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Thứ mười, công tác tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ phải được đẩy mạnh. Phải chủ động trong thông tin, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ngành văn hoá, các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm trong việc này, đây cũng là cơ hội để tăng cường tuyên truyền về truyền thống văn hoá, lịch sử, các giá trị tốt đẹp của dân tộc ta, đất nước ta.

Mười một, kịp thời đúc rút các kinh nghiệm hay, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm, làm không hiệu quả, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

"Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bí thư là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân đứng đầu Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn. Các đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đồng thời nêu rõ, những nơi tăng cường giãn cách có sức ép rất lớn về an sinh xã hội, y tế, an ninh trật tự. Từ thực tiễn kiểm tra cơ sở những ngày vừa qua, những việc mà cấp xã, phường, thị trấn phải làm thật tốt với sự hỗ trợ của các lực lượng tăng cường: Kêu gọi, vận động, tổ chức người dân thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch; cung cấp các gói an sinh xã hội cho người dân; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine ngay tại xã phường; thực hiện kiểm soát việc đi lại để “ai ở đâu ở đó”. Hình thành các lực lượng vận chuyển hàng hoá đến xã phường nhưng phải bảo đảm an toàn; xã phường cùng lực lượng công an, quân đội vận chuyển đến nhân dân…

Thủ tướng cũng lưu ý các xã, phường, thị trấn cung cấp ngay các số điện thoại khẩn cấp tới người dân, dán các tờ rơi tại từng gia đình, từng khu dân cư để người dân có thể gọi ngay khi đói ăn, khi ốm đau.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm giải quyết việc hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương. Các bộ phận trong Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 phải hoạt động theo quy chế, quy định, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì an toàn, hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Đến nay, TP HCM, Bình Dương đã xét nghiệm nhanh cho hơn 1,5 triệu người; Đồng Nai, Long An đã xét nghiệm cho khoảng gần 1 triệu người, trong đó Bình Dương đã thực hiện 3 đợt xét nghiệm diện rộng; Đồng Nai, Long An đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm diện rộng...

Bộ Y tế cho biết, tại TP HCM, Bình Dương, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới vẫn ghi nhận duy trì mức cao (với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng) và có xu hướng gia tăng do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mắc cao (chiếm khoảng 30-50%).

Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần. Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây.

Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn tiềm ẩn.

Tính đến ngày 28/8/2021, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều vaccine. Tính đến 26/8 có 19 tỉnh phía Nam, đã cấp 12.306.010 liều vaccine, trong đó đã triển khai tiêm chủng được 10.551.088 liều (đạt 85.7%). Riêng TP. Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm chủng được 5.786.586 liều (đạt 81.6%).

Đã huy động hơn 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam; điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này.

Đọc thêm