Tiềm năng chưa được khai thác tốt
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm có 19 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên khoảng gần 152 nghìn km2, dân số hơn 24 triệu người, với 1.870 km đường bờ biển. Khu vực này có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa - lịch sử.
Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang hoạt động với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1. Là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch. Ngoài ra, toàn khu vực còn có nhiều vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là nơi tập trung 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt; là địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em.
Thế nhưng, theo thống kê, trong năm 2018, tổng lượng khách đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên đạt khoảng 56 triệu lượt (chiếm hơn 60% lượng khách của cả nước) nhưng chỉ chiếm 18,75% tổng thu nhập từ du lịch của toàn quốc gia.
Ông Phan Ngọc Thọ (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) thay mặt Hội đồng vùng cho biết, lãnh thổ du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên có những điểm đến đẳng cấp như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt.
Tuy lượt khách tới khu vực này tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, chưa thu hút được thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu, tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.
Cần phải liên kết chặt chẽ
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng kế hoạch, thực hiện các nghị quyết Trung ương về chiến lược phát triển du lịch, xây dựng để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành, bảo đảm môi trường du lịch, tập trung phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao quảng bá.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý phải đề cao tính liên kết, phát huy trong từng cụm như Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh để làm điển hình nhân rộng. Trong đó tập trung để hình thành sản phẩm du lịch của vùng.
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên (Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), tiềm năng du lịch của miền Trung và Tây Nguyên là rất rõ ràng, cái quan trọng là cần phải biết phát huy được tiềm năng đó, một thực trạng hiện nay là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết chặt chẽ vùng, do đó cần phải nhận thấy được thế mạnh của nhau để hỗ trợ, cùng nhau phát triển.
“Chính phủ cần trao quyền tự chủ cần thiết cho các địa phương để các địa phương chủ động tổ chức phối kết hợp với nhau, cần có nhiều chính sách phù hợp cho phát triển du lịch như chính sách thị thực để thu hút du khách các nước trên thế giới. Phải phát triển đồng bộ du lịch các vùng vì hiện nay đang có sự phát triển chênh lệnh và chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Nếu chỉ khai thác tự nhiên, làm sao thu hút nhà đầu tư chiến lược? ”, vị PGS.TS này hiến kế.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Trung Lương (Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) đã chỉ ra những yếu tố tiềm ẩn làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, trong đó cho rằng, hiệu quả đối với một số thị trường chưa thực sự cao, tạo áp lực đến hạ tầng cơ sở, môi trường của khu vực. Tổng đầu tư của khối tư nhân đến khu vực này không nhiều. Sự liên kết khá điển hình cho vùng này: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, nhưng bản chất liên kết chưa được bao nhiêu.
PGS.TS Phạm Trung Lương nêu định hướng: “Cần cơ cấu, điều chỉnh lại thị trường. Chú trọng sản phẩm đẳng cấp cao. Phải cấu trúc lại câu chuyện quảng bá, marketing. Vùng này phát triển phải gắn với bảo tồn. Nên cho phép tư nhân đầu tư khai thác các đầu mối giao thông, Trung ương chỉ hỗ trợ các dự án. Đồng thời phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển các cụm ngành du lịch như: Cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, cụm ngành du lịch văn hóa, lịch sử, cụm ngành du lịch di sản, cụm ngành du lịch biển đảo, cụm ngành du lịch sinh thái, cụm ngành du lịch khám phá đồi núi, đặc biệt là cụm ngành khám phá hang động.
Một cụm ngành bao gồm nhiều ngành có liên quan, trong đó, trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí. Phát triển du lịch phải đặt vấn đề cụm ngành đồng bộ chứ không phải khai thác tài nguyên du lịch một cách đơn thuần.
Thủ tướng đặt ra cho ngành Du lịch những câu hỏi: Làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn, ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn; làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam; làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?
Thủ tướng chỉ đạo ngành Du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; các điểm đến; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục.
Thủ tướng cũng nhắc lại tình trạng “chặt chém” du khách, vấn nạn “taxi dù”, chèo kéo bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, lừa đảo khách và đề nghị Chủ tịch, Bí thư các tỉnh phải chỉ đạo, các cơ quan pháp luật, chúng ta phải xử lý nghiêm những trường hợp như vậy để giữ văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Thủ tướng mong mỗi người Việt Nam là một “đại sứ du lịch”.