Theo báo cáo của tỉnh Cà Mau, năm 2019, dự kiến thu ngân sách của Cà Mau chỉ đạt ở mức 5.519 tỷ đồng (vượt 20,8% dự toán), nhưng chi ngân sách ở mức 12.840 tỷ đồng, hơn gấp đôi nguồn thu và vượt 32,4% dự toán. Mặc dù vậy, dự kiến việc giải ngân vốn đầu tư công của địa phương này trong cả năm cũng chỉ đạt 63% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 47,1 triệu đồng. Ngành dịch vụ chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế ở mức hơn 40%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tỉnh Cà Mau, một địa bàn vùng sâu, vùng xa là địa phương cực Nam của Tổ quốc. Cà Mau đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và phát triển tương đối toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của tỉnh chưa cao nhưng mức tăng trưởng trong nông nghiệp đạt cao hơn bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thế mạnh về nuôi tôm, trồng rừng và dịch vụ được chú trọng đầu tư, phát triển. Hạ tầng kinh tế xã hội tại Cà Mau cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là giao thông nông thôn…”.
Trên tinh thần đó, Cà Mau cần tập trung đầu tư phát triển một cách chủ động không chỉ danh mục mà còn cả các nội dung các chương trình, dự án để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi. Đặc biệt, tỉnh cần chủ động có biện pháp đối phó với hạn hán, thiên tai của năm 2020; Cà Mau tập trung phát triển các mô hình doanh nghiệp công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực du lịch.
Trong tiến trình phát triển, tỉnh cần chú ý hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nguồn động lực của khối kinh tế tư nhân; đồng thời gìn giữ màu xanh, phát triển rừng và bảo vệ môi trường; Nông nghiệp Cà Mau phải hướng đến thị trường quốc tế, đi đôi với không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm “Chính quyền và doanh nghiệp và đều phải có tư duy hội nhập”.
Quang cảnh Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị tỉnh phải “thay đổi tư duy quy hoạch phát triển”, chỉ đạo tái bố trí dân cư theo hướng tập trung, chủ động hơn theo hướng mô hình cụm; chính quyền tỉnh phải chú trọng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền Tổ quốc, củng cố năng lực thực hiện các chương trình, dự án trong kế hoạch 5 năm 2015 – 2020.
Cà Mau cần xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thủ tướng chỉ đạo tỉnh phải sớm triển khai, hoàn thành dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau bởi đây là dự án có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Cà Mau được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, lĩnh vực du lịch và cụm công nghiệp khí - điện - đạm. Tỉnh có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển là 254km, thuộc hành lang ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ, lại nằm ở trung tâm vùng biển của các nước Đông Nam Á - những khu vực có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển, đảo. Tất cả những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trên đã tạo cho Cà Mau những lợi thế so sánh không dễ có được đối với một số tỉnh khác trong khu vực.