Có thể khẳng định, đây là chuyến công tác của Thủ tướng tới nhiều quốc gia, hướng tới nhiều mục tiêu trên nhiều lĩnh vực, nhiều bình diện cả song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, với chương trình làm việc dày đặc, nội dung làm việc phong phú, đạt nhiều kết quả ấn tượng và quan trọng, giúp nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của Việt Nam.
Dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước châu Âu
Chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với ba nước ngày càng phát triển; Việt Nam và ba nước sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Chuyến thăm của Thủ tướng đã thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ba nước có thế mạnh nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh - phát triển của đất nước. Với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập Đối tác chiến lược về tài chính xanh.
Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình ba bên (Chính phủ, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp) như Trung tâm đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.
Ngoài ra, chuyến thăm đã đẩy mạnh kết nối về logistics, thu hút đầu tư chất lượng cao của ba nước vào hạ tầng chiến lược, tăng cường hợp tác chuyên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam với ba nước về quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Việt Nam và các nước nhất trí phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế như khuôn khổ hợp tác ASEAN – EU, ASEM, Liên hợp quốc, nhất là khi Việt Nam và cả ba nước Luxembourg, Bỉ, Hà Lan đều là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Về Biển Đông, lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; ủng hộ tiến trình đàm phán COC thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các nước cam kết ủng hộ ta về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước, giúp gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ba nước trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh – phát triển của Việt Nam và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU
Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU có ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Lãnh đạo ASEAN gặp gỡ với đầy đủ Lãnh đạo các nước thành viên EU, cho thấy hai bên đều hết sức coi trọng, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác này; là cơ hội tốt để các Lãnh đạo hai bên đề ra những định hướng quan trọng nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ ASEAN-EU thời gian tới.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU - Ảnh: VGP |
Kết quả nổi bật là Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU, cả trong quá trình chuẩn bị tổ chức, tham gia thảo luận tại Hội nghị cũng như xây dựng văn kiện.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu đề cao ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Cấp cao và chia sẻ về một số định hướng.
Theo đó, hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược, hợp tác cân bằng, bình đẳng, hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Nhóm G7, mong muốn EU chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mekong.
Trước những biến chuyển của tình hình, Thủ tướng đề nghị ASEAN và EU lấy hoà bình, ổn định là mục đích, coi đối thoại, hợp tác là công cụ trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Thủ tướng đề nghị ASEAN, EU và các nước cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Với những kết quả đạt được mang tính toàn diện, chiến lược, lâu dài, nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, cấp bách, có thể khẳng định, chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công rất tốt đẹp về mọi mặt.
Cùng với các hoạt động đối ngoại gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam tự tin phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Tự tin phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững
Một trong những mục tiêu và điểm nhấn đặc biệt trong chuyến công tác của Thủ tướng là thúc đẩy hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hạ tầng chiến lược…
Nhiều ý tưởng, chương trình hợp tác đã được Thủ tướng thúc đẩy mạnh mẽ và sẽ được nghiên cứu, triển khai cụ thể sau chuyến thăm, như khả năng thành lập trung tâm phân phối hàng hóa, nông sản Việt Nam tại Bỉ để xâm nhập vào thị trường châu Âu; khả năng xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen tại Việt Nam…
Nhân dịp chuyến thăm, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện chủ trương, chính sách của mình về xây dựng nền kinh tế xanh, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.