Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

(PLVN) -  Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác có buổi kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại nút IC5 (Km47+800) thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang .

Thủ tướng cùng đoàn trong buổi kiểm tra thực địa cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Báo cáo với Thủ tướng, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110km, bắt đầu từ Cần Thơ và kết thúc ở đường Vành đai 3 (TP Cà Mau). Toàn dự án có 11 nút giao liên thông, 117 cây cầu. Đến nay, tổng tiến độ dự án đã đạt 34%, công tác giải phóng mặt bằng đạt 99,8%. Các nhà thầu đã triển khai đồng loạt trên toàn tuyến với 237 mũi thi công, 870 đầu thiết bị và 2.800 cán bộ, kỹ sư. Hiện, đã hoàn thành 70% công tác cầu, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành.

Về công tác đường, đã triển khai đưa vật liệu về công trường được 6 triệu/m3 (tổng số khoảng 18 triệu m3). Tập trung thi công 3 ca, 4 kíp, phấn đấu đến 31/10 sẽ hoàn thành công tác gia tải toàn bộ tuyến chính. Từ đó, triển khai các công tác tiếp theo và hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

Ban Quản lý dự án cho biết thêm, khó khăn toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau hiện nay là phải xử lý nền đất yếu, chờ lún 10 đến 12 tháng. Trong giai đoạn đầu, nguồn vật liệu chưa được bố trí kịp. Hiện, vấn đề cơ bản đã được giải quyết, đơn vị đang đôn đốc thi công, trên tinh thần nhanh nhất có thể, để hoàn thành kế hoạch đề ra vào cuối năm nay.

Theo đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, vấn đề thiếu cát cơ bản đã giải quyết, khó khăn khác lại vấp phải là thiếu vật liệu đá. Hiện, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, công trình trọng điểm nhiều nên nhu cầu về đá tiêu chuẩn cho việc thực hiện cao tốc rất lớn, nhưng có ít mỏ có thể đáp ứng được. Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn mong Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh sớm nâng công suất khai thác đá như: An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của tập thể ban quản lí dự án, cán bộ, công nhân nhà thầu. Trong điều kiện khó khăn về nguồn nguyên vật liệu cho công trình nhưng đến nay, tiến độ dự án cơ bản được đảm bảo. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có đường cao tốc đi qua phải có phương án khai thác tối đa, các lợi thế mà các nút giao trên tuyến cao tốc đi qua. Đồng thời, các địa phương phải khẩn trương lên phương án giải phóng mặt bằng, phối hợp với các đơn vị thi công, để đấu nối các tuyến giao thông của địa phương, vào tuyến cao tốc tại các nút giao. Có như vậy thì mới phát huy được hiệu quả của đường cao tốc.

Báo cáo với Thủ tướng về các nút giao đi qua địa bàn, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, Hậu Giang có tất cả 4 nút giao vào tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, kế hoạch đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thành các nút giao trên tuyến cao tốc để nối vào 3 khu công nghiệp, 1 khu du lịch của tỉnh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế của tỉnh.

Thủ tướng hỏi và động viên cán bộ, công nhân và người dân trên tuyến cao tốc tại Hậu Giang.

Còn đối với tỉnh Cà Mau, báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh này cho biết, địa phương đang triển khai thi công nút giao quan trọng nhất của tỉnh nằm ở điểm cuối nút giao đường Vành đai 3 của TP Cà Mau. Nút giao này sẽ kết nối Cảng Hàng không Cà Mau với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Quảng lộ Phụng Hiệp. Điều này mở ra không gian phát triển kinh tế, thông suốt và thuận lợi cho tỉnh trong tương lai.

Thủ tướng đánh giá dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là một trong những dự án đẹp. Thủ tướng nói thêm, với các địa phương làm đường cao tốc không chỉ để đẹp, mà phải gắn liền với việc phát triển kinh tế tại từng nơi, mà cao tốc đi qua. Thủ tướng còn lưu ý, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, phải hỗ trợ tối đa cho các nhà thầu, trong việc thi công các hạng mục công trình, góp phần rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi vào hoạt động như dự kiến.

Đọc thêm