Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ; ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Sau khi Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ Đào Chí Nghĩa trình bày khái quát về kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng cùng các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo TP. Cần Thơ đã trả lời các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cử tri.
Báo cáo cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ cho biết, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua số lượng lớn các dự án luật: Thông qua 7 luật, cho ý kiến lần đầu 8 luật, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội thông qua với 2 dự án luật. Đây đều là những luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế-xã hội.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động, trách nhiệm, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ trong triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Quốc hội cũng quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, là những vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các các địa phương và cả nước, như giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến 30/6/2024…
Thực hiện quyền giám sát tối cao, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc bỏ phiếu được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, minh bạch, dân chủ, khách quan.
Thủ tướng giải đáp, trả lời các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cử tri liên quan tới việc phát triển khu công nghiệp VSIP tại Cần Thơ, xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, giải pháp tiêu thụ nông sản, đào tạo nhân lực… - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lần đầu tiên, Quốc hội thực hiện giám sát giữa kỳ và giám sát tích hợp cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn. Chuyên đề giám sát này toàn diện, quy mô rộng, độ phức tạp cao, bao trùm nhiều luật, chính sách, ảnh hưởng đến đời sống của mọi người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quốc hội đã dành 2,5 ngày chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 với 21 lĩnh vực thuộc 4 nhóm nội dung: Kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội.
Hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới theo hướng sát thực tế, phản ánh đúng với tâm nguyện của cử tri, mang lại nhiều tác động tích cực, sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước. Kỳ họp được bố trí hợp lý hơn, tạo điều kiện cho Chính phủ và các cơ quan trình có thời gian tiếp thu, giải trình, hoàn thiện nội dung trình.
Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, với phạm vi rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, 10 nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực theo sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các báo cáo, ý kiến cử tri tại cuộc tiếp xúc đánh giá, trong năm 2023, trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng lòng, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế... tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thủ tướng trò chuyện thân mật và tặng quà các cử tri là đồng bào, chức sắc các tôn giáo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng, các chỉ tiêu xã hội cơ bản hoàn thành, nhiều chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Tình hình chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra liên tục thành công.
Riêng với Cần Thơ, GRDP năm 2023 ước tăng 5,75%; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 94,12 triệu đồng, tăng 9,45% so năm 2022. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước vượt chỉ tiêu (0,9%). Giải ngân vốn đầu tư công ước đến ngày 30/1/2024 đạt tỉ lệ 95,72% kế hoạch Tổng lượt khách đến thành phố 5,988 triệu lượt, vượt 15% kế hoạch, tăng 17% so năm 2022. Thành phố đã trình và Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030...
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới đồng bào, cử tri những lời chúc mừng tốt đẹp nhân dịp năm mới; lời chúc Giáng sinh an lành, hạnh phúc tới chức sắc và đồng bào Công giáo nhân mùa Giáng sinh sắp tới.
Thủ tướng vui mừng khi huyện Vĩnh Thạnh có nhiều đồng bào có đạo với nhiều tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài), song đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo trong thời kỳ nào cũng một lòng theo Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; không ngừng chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt các sinh hoạt, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật và làm tròn nghĩa vụ của công dân.
Thủ tướng cho biết, trong tổng thể quan hệ đối ngoại, quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican những năm qua tiếp tục phát triển tích cực, tốt đẹp và đang được tiếp tục thúc đẩy. Tháng 7 vừa qua, nhận lời mời của Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm Tòa thánh Vatican. Trong tháng 9, Giáo hoàng Francis đã có thư gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.
Các cử tri đề xuất, kiến nghị về nhiều vấn đề liên quan kinh tế, xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng mong các linh mục, đồng bào Công giáo tiếp tục chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các hoạt động tốt đời đẹp đạo, gắn bó, đồng hành cùng đất nước và nhân dân, đóng góp cho quan hệ Việt Nam-Vatican ngày càng phát triển tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển giàu đẹp, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng đã giải đáp, trả lời các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cử tri liên quan tới việc phát triển khu công nghiệp VSIP tại Cần Thơ, xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, giải pháp tiêu thụ nông sản, đào tạo nhân lực…
Về thị trường cho nông sản vùng ĐBSCL, trong đó có gạo, tránh tình trạng "được mùa mất giá", Thủ tướng cho biết, vừa qua gạo ST25 đã đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới. Chúng ta cần tiếp tục triển khai bài bản, đồng bộ các công việc, như xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu, làm tốt công tác quy hoạch, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, xây dựng các hợp tác xã để liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, quan tâm bao bì, mẫu mã… Hướng phát triển là nông sản chất lượng cao, phát thải thấp.
Cùng với đó, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, phát huy các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường mới. Thủ tướng cho biết vừa qua đã trao đổi, thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định về thương mại gạo với các nước, như Philippines, Indonesia, các hiệp định thương mại tự do với các nước Trung Đông để khai thác thị trường thực phẩm Halal…