Theo Reuters, hôm 1/10 vừa qua, khu vực Catalonia giàu có nằm ở phía đông bắc Tây Ban Nha đã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc độc lập, bất chấp việc tòa án hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết khẳng định cuộc bỏ phiếu đó là bất hợp pháp. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh Catalonia hiện có ngôn ngữ và văn hóa riêng.
Chính quyền Catalonia nói rằng có khoảng 90% những người tham gia bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu ý dân nói trên ủng hộ khu vực tách khỏi Tây Ban Nha. Trong khi đó, chính phủ Tây Ban Nha khẳng định việc ly khai là bất hợp pháp theo hiến pháp năm 1978 của nước này. Phần lớn những người dân Catalonia phản đối ly khai đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Khoảng 900 người đã bị thương trong quá trình diễn ra cuộc trưng cầu, khi cảnh sát tìm cách ngăn chặn việc bỏ phiếu.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Pais của Tây Ban Nha hôm 7/10 vừa qua, khi được hỏi về việc đã sẵn sàng kích hoạt Điều 155 của hiến pháp Tây Ban Nha, ông Rajoy cho biết ông không loại trừ bất cứ khả năng nào trong phạm vi pháp luật cho phép.
“Về mặt lý thuyết, việc áp dụng những giải pháp cực đoan là không cần thiết nhưng nếu những giải pháp đã được sử dụng không có hiệu quả thì mọi việc sẽ phải thay đổi”, Thủ tướng Tây Ban Nha cho hay. Điều 155 của hiến pháp Tây Ban Nha, còn được gọi là giải pháp hạt nhân, trong đó cho phép thủ tướng sa thải chính quyền khu vực và kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử mới ở cấp địa phương.
Phát biểu của Thủ tướng Tây Ban Nha được đưa ra trong lúc hàng chục nghìn người trên khắp Tây Ban Nha trong ngày 7/10 đã tiến hành biểu tình ở khoảng 50 thành phố trên khắp cả nước để kêu gọi lãnh đạo chính phủ trung ương và chính quyền Catalonia đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất tại nước này trong nhiều thập kỷ trở lại đây do Catalonia muốn tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Tây Ban Nha ngoài việc đã đẩy nước này vào cảnh chia rẽ còn khiến nhiều ngân hàng và công ty đã chuyển trụ sở ra khỏi khu vực Catalonia, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tin tưởng của thị trường vào nền kinh tế Tây Ban Nha. Ủy ban châu Âu trong bối cảnh như vậy đã kêu gọi lãnh đạo chính quyền Catalonia và chính phủ Tây Ban Nha cùng bàn bạc để tìm ra một giải pháp chính trị nhằm giải quyết tình hình.
Người đứng đầu chính quyền Catalonia Carles Puigdemont cho biết ông sẵn sàng tham gia hòa giải. Song, Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy đã bác bỏ khả năng này. Thay vào đó, ông Rajoy yêu cầu ông Puigdemont từ bỏ chiến dịch độc lập trước khi tham gia thảo luận. Bên cạnh đó, Thủ tướng Tây Ban Nha cũng tuyên bố vấn đề hiện nay sẽ không buộc nước này phải tiến hành một cuộc tổng tuyển cử trên cả nước.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ El Pais, ông Rajoy cũng cho biết sẽ điều động thêm khoảng 4.000 cảnh sát tới Catalonia cho đến khi cuộc xung đột hiện nay được giải quyết.