Tối 8/5, dự lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, càng đi sâu khám phá vùng đất, con người xứ Thanh, chúng ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, sức sống diệu kỳ của nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống lịch sử vẫn đang bền bỉ chảy mãi không ngừng…
Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá là sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa, vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến nguồn cội của những di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích có giá trị. Dòng văn hóa lịch sử sông Mã - bắt đầu từ văn hoá đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hoá đá mới (Đa Bút), văn hoá tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hoá đồ đồng với “Trống đồng Đông Sơn”..., đã góp phần quan trọng cho kho tàng văn hoá Việt Nam phát triển rực rỡ, phong phú.
Để Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, tỉnh cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ tăng năng suất lao động trong nền kinh tế số. Tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn, đang triển khai đầu tư xây dựng trên đia bàn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như: Đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không, cảng biển. Nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư những hạ tầng quan trọng.
Thứ hai, tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và các khu du lịch phát triển kinh tế biển. Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phải xác định đến năm 2025, Thanh Hóa đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số PCI.
Thứ tư, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân. Quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa phát triển kinh tế xã hội các địa phương phía tây tỉnh Thanh Hóa, nơi cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của con người xứ Thanh với những phẩm chất quý báu là trí tuệ, năng động, đoàn kết, tình nghĩa và thủy chung. Đây là một nguồn lực lớn, rất quan trọng để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tỉnh cần tập trung đầu tư cho giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng tin tưởng, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và của quê hương sẽ là nguồn cội sức mạnh, là nền tảng động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa xây dựng Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Đồng thời, sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.