Thủ tướng yêu cầu tập trung cho 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu

(PLVN) - Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 diễn ra hôm nay, 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp về tinh hình kinh tế - xã hội (KTXH) trong tháng 1 vừa qua. Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình còn những khó khăn, thách thức và 3 bài học kinh nghiệm.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Để tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, Thủ tướng yêu cầu, phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Về kiểm soát lạm phát, cần chú trọng nhóm trong “rổ hàng” tác động lớn đến lạm phát, như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật (tăng cường chuyển đổi số kết hợp dữ liệu dân cư để sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống). Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng KTXH quan trọng, chiến lược. Tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Thủ tướng nêu rõ: Năm 2022, cả nước có 400.000 tỷ đồng tăng thu, phải sử dụng có hiệu quả để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, các địa phương phải quán triệt tinh thần này, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Bộ Tài chính hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.

Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14.100 tỷ đồng). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp đặc thù riêng của địa phương.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân; tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, sửa đổi ngay các nghị định, thông tư đang có vướng mắc; đổi mới cách làm, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân số, kinh tế số; sớm hoàn thành xây dựng, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia và báo cáo Chính phủ về chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát tình hình khu vực và quốc tế, kịp thời tham mưu chiến lược, các biện pháp xử lý các tình huống liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ...

Các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp cần nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa thành kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng cấp, từng ngành và cơ quan, triển khai đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, báo cáo theo quy định, chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đọc thêm