Thừa Thiên Huế: Đề xuất xử lý tồn tại ở một số công trình thủy điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù những công trình thủy điện này đi vào vận hành đã lâu, nhưng những vướng mắc, tồn tại trong công tác đền bù, hỗ trợ, hoàn trả lại các tuyến đường giao thông… cho những hộ dân bị ảnh hưởng đến nay vẫn chưa được giải quyết xong.
Một khu vực tích nước để vận hành thủy điện A Lin B1.
Một khu vực tích nước để vận hành thủy điện A Lin B1.

Công trình thủy điện A Lin B1 công suất lắp máy 42MW được xây dựng trên suối Alin thuộc địa phận xã Trung Sơn, Hồng Vân, huyện A Lưới, do Cty CP Thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư. Sau khi thủy điện A Lin B1 đi vào hoạt động, đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.

Mới đây, tại cuộc tiếp công dân định kỳ của Bí thư Huyện ủy A Lưới, ông Huỳnh Công Quảng, tại xã Hồng Vân, đã có 20 ý kiến, kiến nghị của công dân liên quan việc hỗ trợ thiệt hại diện tích đất của các gia đình bị ngập nước do tích nước lòng hồ thủy điện A Lin B1.

Theo bà Lê Thị Nghị (thôn A Niêng, Lê Triêng 1, xã Trung Sơn) gia đình bà có hơn 2.000m2 đất ngập lụt do thủy điện A Lin B1 tích nước. Đây là diện tích đất sản xuất được gia đình canh tác nhiều đời. Từ tháng 3/2019 các đơn vị liên quan có về đo đạc và thống nhất đền bù số tiền hơn 13,6 triệu đồng, nhưng gia đình không đồng ý nhận.

Sau nhiều lần kiến nghị cơ quan thẩm quyền, thủy điện có về đo đạc lại và đồng ý đền bù số tiền 39,8 triệu đồng. Gia đình tiếp tục không đồng ý nhận, bởi số tiền đền bù không thỏa đáng so với diện tích bị ngập úng. Đến tháng 4/2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện về đo đạc lại diện tích đất này và cả diện tích đất ngập ngoài mốc quy hoạch lòng hồ; và đến nay gia đình vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Ngoài ra, người dân xã Hồng Vân còn kiến nghị trong thời gian Cty Cổ phần Thủy điện Trường Phú xây dựng tuyến đường thôn Ta Lo - A Hố đã đổ đất đá xuống ruộng nằm dọc theo tuyến đường và hứa sau khi hoàn thành sẽ thu dọn đất đá, trả lại mặt bằng cho người dân. Đến nay tuyến đường đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng, nhưng Cty vẫn chưa dọn đất đá, chưa trả mặt bằng cho các hộ dân, khiến việc canh tác gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân xã Hồng Hạ cũng kiến nghị Cty Thủy điện Sông Bồ khắc phục sửa chữa, nâng cấp đường, cầu, cống tại xóm mới khu tái định cư của xã như đã cam kết trước đây, vì hiện nay các hạng mục này đã hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn đi lại cho người dân.

Ông Hồ Mạnh Giang, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, mới đây UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện liên quan đến những vướng mắc, tồn tại mà Cty Trường Phú chưa giải quyết dứt điểm cho người dân. Đây là cơ sở để các ban, ngành chức năng sớm giải quyết những vướng mắc, tồn tại nhằm bảo đảm quyền lợi nhân dân.

Theo đó, với các kiến nghị của các hộ bị diện tích đất ngập lụt phát sinh do lòng hồ thủy điện tích nước, khắc phục các đường sản xuất, UBND huyện đã giao chính quyền địa phương phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện rà soát, xác nhận rõ nguồn gốc sử dụng đất để trả lời cụ thể, dứt điểm cho hộ gia đình. Yêu cầu Cty Trường Phú, Cty Sông Bồ phối hợp UBND hai xã Hồng Vân, Hồng Hạ kiểm tra thực địa các tuyến đường hư hỏng, hoàn trả mặt bằng nhằm phục vụ đi lại, sản xuất cho nhân dân.

Không chỉ tại huyện A Lưới, tại huyện Nam Đông, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi thi công các dự án thủy điện nhưng chưa được đền bù cũng đã tiếp tục kiến nghị đến chính quyền. Trong đó, phải kể đến công trình thủy điện Thượng Nhật công suất 11MW nằm ở xã Thượng Nhật do Cty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. Dù đi vào vận hành đã lâu nhưng những vướng mắc, tồn tại trong công tác đền bù, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng tại xã Thượng Nhật vẫn chưa được chủ đầu tư quan tâm giải quyết dứt điểm.

Theo phản ánh của các hộ dân như Hồ Văn Giáp, Hồ Văn Lâu, Tà Rương Binh… thủy điện Thượng Nhật khơi thông dòng chảy phía hạ du đã làm ảnh hưởng đến đất và tài sản trên đất của họ. Ngoài ra, nhiều hộ dân tại đây cũng kiến nghị Cty thủy điện đo đạc ngập phát sinh ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng lòng hồ ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của các hộ. Trước đó, vào ngày 19/4, chủ đầu tư đã tiến hành đo đạc lại cho các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Bên cạnh đó, người dân yêu cầu thủy điện hoàn trả đường dân sinh thôn A Tin (dài khoảng 600m, rộng 2,5m), mở đường mòn sản xuất vùng Cha Lai…

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, huyện đã yêu cầu Cty thủy điện phối hợp UBND xã Thượng Nhật xây dựng phương án để sớm hoàn trả đường dân sinh thôn A Tin và triển khai thực hiện trước mùa mưa, bão. Đồng thời, hỗ trợ tiền công để phát dọn đường mòn vào nơi sản xuất.

Với các kiến nghị bị ảnh hưởng ngoài phạm vi của thủy điện và các hạng mục có liên quan bị ảnh hưởng trong quá trình thi công, vận hành, xả lũ kết hợp với lũ; các đơn vị liên quan làm việc với đoàn kiểm tra của huyện để kiểm tra, đánh giá, xác định lại mức độ thiệt hại. Sau khi xác định lại cụ thể diện tích đất và tài sản thiệt hại thì mời chủ đầu tư thủy điện lên phương án hỗ trợ, đền bù.

Đọc thêm