Đốt, chặt phá rừng diễn ra công khai
Những ngày gần đây, người dân ở thị xã Hương Trà vào rừng trồng keo tràm phát hiện khu rừng phòng hộ nơi đầu nguồn thủy điện Hương Điền (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) bị chặt phá nghiêm trọng.
Tại hiện trường la liệt những cây gỗ, gốc cây với đường kính lớn, một số khúc gỗ vẫn chưa kịp đưa ra khỏi khu vực này. Các cây gỗ bị đốn hạ có đường kính khoảng từ 30 - 50cm, có những gốc cây lên đến gần 80cm. Không chỉ rừng bị chặt phá mà cả cánh rừng bạt ngàn này còn nhiều dấu hiệu bị đốt khiến cho nhiều diện tích rừng xung quanh bị cháy xém, cây cối héo khô.
Nhiều người dân tại địa phương cho hay, việc đốt, chặt phá rừng này đã diễn ra công khai giữa ban ngày; “lâm tặc” mang cả máy cưa vào khu rừng để chặt phá và đốn hạ những cây gỗ lớn. Điều đáng nói, việc cưa cây, đốt rừng ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật và diễn ra trong một thời gian dài nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.
Theo ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà xác nhận, có sự việc rừng nơi đầu nguồn thủy điện Hương Điền bị xâm hại. Theo cơ quan chức năng thị xã Hương Trà, sau khi nhận được phản ánh của người dân, đoàn liên ngành kiểm tra hiện trường và xác định diện tích rừng đã bị chặt phá thuộc khoảnh 2, tiểu khu 109, nằm trong địa phận phường Hương Vân.
Sau khi điều tra có dấu hiệu tội phạm hủy hoại rừng quy định tại khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự và các điều, khoản liên quan, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng tại lô 20, khoảnh 2, tiểu khu 109 và lô 3, khoảnh 7, tiểu khu 108 thuộc phường Hương Vân (thị xã Hương Trà). Quyết định này được gửi đến Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hương Trà giải quyết.
Được biết, diện tích rừng bị đốt cháy, chặt phá do UBND phường Hương Vân quản lý, được giao khoán, bảo vệ cho người dân và được hưởng phí dịch vụ môi trường rừng.
Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở đầu nguồn thủy điện vừa bị đốt và chặt phá |
Giảm hơn 800ha rừng tự nhiên
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố danh sách các địa phương để mất rừng, đất lâm nghiệp với diện tích lớn; trong đó, riêng tại Thừa Thiên - Huế giảm đến 807ha rừng tự nhiên. Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, năm 2018 diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh là 212.180,45ha. Đến năm 2019, diện tích rừng tự nhiên ở địa phương giảm 807,34 ha so với năm 2018.
Trong đó, phân theo nguyên nhân biến động bao gồm: Cháy rừng 0,14ha (diện tích rừng bị cháy là rừng gỗ tự nhiên, thuộc xã Hương Giang và Thượng Lộ của huyện Nam Đông, chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn Phú Ninh và La Hố).
Phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm rừng làm giảm 10,35ha nằm trên địa bàn các huyện A Lưới (1,87ha), Nam Đông (7,25ha), Phong Điền (0,78ha), Phú Lộc (0,4ha) và Phú Vang (0,5ha), trong đó gồm 7ha rừng gỗ tự nhiên và 3,35ha rừng hỗn giao gỗ - tre nứa tự nhiên.
Sạt lở gây mất diện tích rừng gỗ tự nhiên 11,26ha, nằm trong khu vực làm đường 74, xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông), chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông.
Một nguyên nhân quan trọng khiến diện tích lớn rừng bị mất, theo ngành nông nghiệp địa phương này lý giải: Do sai khác dữ liệu hiện trạng rừng giữa kết quả kiểm kê rừng năm 2016 với thực tế nên phải điều chỉnh làm giảm 785,59ha.
Cùng đó, do sai khác dữ liệu giữa hiện trạng rừng tại bản đồ kiểm kê rừng năm 2016 và hiện trạng rừng năm 2018 khiến cho diện tích rừng tự nhiên bị mất, diện tích đất trống và diện tích rừng trồng tăng 391,59ha và 394ha.
Cũng theo Sở NN&PNTT Thừa Thiên - Huế, việc sai khác hiện trạng rừng tự nhiên chủ yếu do 2 nguyên nhân đó là: Căn cứ tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 12 ngày 24/1/2014 của liên Bộ Tài chính – NN&PTNT hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016.
Quá trình kiểm kê rừng năm 2016 tại Thừa Thiên - Huế, chỉ kế thừa số liệu (hồ sơ, bản đồ) của Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh chứ không thực hiện điều tra, đo đếm và thực hiện kiểm kê như các diện tích khác. Do đó, nên có 495,63ha rừng tự nhiên được ghi nhận trên dữ liệu kiểm kê nhưng thực tế là rừng trồng và đất trống (chiếm 63,09%).