Thừa Thiên Huế thực hiện Đề án 06: Giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển khai nghiêm túc theo nội dung, lộ trình Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06), góp phần thực hiện thắng lợi công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội và đem lại giá trị to lớn cho đời sống của người dân.

Thông tin về quá trình thực hiện Đề án 06 trên địa bàn, Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh đã tham gia góp ý đối với 12 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Đề án 06; Triển khai kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; Cung cấp 1.920 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đồng bộ lên CSDL thủ tục hành chính quốc gia. Hiện đã có 1.426 dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia (chiếm tỉ lệ 74,27%).

Lực lượng Công an Thừa Thiên Huế đến tận nhà làm thủ tục cấp CCCD cho người già.

Lực lượng Công an Thừa Thiên Huế đến tận nhà làm thủ tục cấp CCCD cho người già.

Hiện, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu nhận 1.060.865 hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, đạt 99% so với nhân khẩu đang cư trú trên địa bàn; thu nhận 244.666 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử (tài khoản mức độ 1: 30.226 hồ sơ; tài khoản mức độ 2: 214.440 hồ sơ). Trong đó, số lượng tài khoản đã kích hoạt và sử dụng các tiện ích trên ứng dụng VNeID: 43.781 tài khoản.

Tỉnh đã triển khai 23/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06; tiếp nhận, giải quyết 339.848 hồ sơ của 11/11 DVC thuộc thẩm quyền giải quyết Công an tỉnh; tiếp nhận, giải quyết 99.825 hồ sơ của 12/14 DVC thuộc thẩm quyền giải quyết các sở, ngành khác. Hiện, một số DVC có tỉ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến cao trong năm 2023 như xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số (tỉ lệ 100%); thông báo lưu trú 99,99%; cấp hộ chiếu 100% ...

Tại hội nghị sơ kết Đề án 06 năm 2022, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023, một số ý kiến cho rằng dù đạt được nhiều kết quả nhưng các cơ quan, ban, ngành địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích mang lại của Đề án 06; nhất là các tiện ích của thẻ CCCD gắn chip điện tử, định danh và xác thực điện tử và 25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng DVC Quốc gia; các phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cán bộ, đảng viên, công chức, lực lượng vũ trang phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong thực hiện DVC trực tuyến, đăng ký tài khoản Định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID…Ngoài ra, cần rà soát nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, đường truyền, trang thiết bị của các ban, ngành địa phương phục vụ triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Đề án 06 tại cấp cơ sở là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Phương Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, kết quả thực hiện Đề án 06 thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các chỉ số tại cơ sở là rất quan trọng mà trung tâm là doanh nghiệp và người dân. Không chỉ ngành Công an, Thông tin và Truyền thông mà các cấp các ngành, các địa phương cần vào cuộc, theo dõi kế hoạch đã ban hành để triển khai Đề án 06 một cách đầy đủ. Các đơn vị liên quan cụ thể hóa kế hoạch, thời gian thực hiện các hạng mục công việc.

“Cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư; các hạng mục công việc trọng tâm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp DVC trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ công dân số và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư”- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Đọc thêm