Thuận lý hay ngược đời?

(PLO) - Quốc hội nước Pháp vừa thông qua bộ luật được Bộ trưởng Giáo dục nước này Jean-Michel Blanquer tán dương là “một bộ luật của thế kỷ 21” và giúp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực hiện được một trong những cam kết vận động tranh cử tổng thống. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục đích và nội dung của bộ luật này là cấm học sinh từ 3 đến 15 tuổi sử dụng điện thoại di động và các loại thiết bị kết nối internet trong trường học nói chung chứ không chỉ có trong giờ học. Theo đó, học sinh đến trường không được mang theo các thiết bị nói trên hoặc phải tắt nguồn và để trong cặp, không được sử dụng trong giờ học, trong giờ nghỉ và trong khu vực trường học.

Để phục vụ cho công việc giảng dạy và mục đích giáo dục, trường học có thể ban hành quy định riêng về khi nào và ở đâu thì học sinh được sử dụng điện thoại di động và các thiết bị kết nối Internet. Mục đích của bộ luật này là để học sinh toàn tâm, toàn ý tập trung vào nghe giảng trên lớp và học tập ở trường.

Mục đích này rất đúng đắn và ngay cả quan điểm cho rằng phải tập trung hàng đầu vào nghe giảng trong lớp và học tại trường mới là cách thức dạy và học tốt nhất cũng rất đúng. Nhưng bộ luật này không thể không khiến mọi người băn khoăn là như thế thuận lý hay ngược đời.

Hiện tại, không ai có thể phủ nhận được tiện ích của điện thoại di động và Internet đối với cuộc sống, công việc và cả chuyện học hành của con người. Xã hội hiện đại giờ không còn có thể thiếu chúng. Ai ai cũng có thể tận lợi được rất nhiều từ đó cho những mục đích khác nhau, trong đó có chuyện dạy và học. Cấm sử dụng như thế vì vậy bị coi là ngược đời, là phú quý giật lùi.

Nhưng nếu người sử dụng, ở đây là học sinh, không có ý thức tự giác và các thiết bị này bị lạm dụng vào mục đích khác với mục địch bẩm sinh của môi trường sư phạm đặc thù trong trường học thì việc cấm đoán này lại thuận lý và cần thiết đấy chứ. Xem ra, ở đây lại có chuyện “không quản lý được thì cấm”.

Đọc thêm