Dịch COVID-19 ở nước ta được kiểm soát tốt. Tình hình KT-XH tiếp tục khởi sắc, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư không ngừng được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, trước biết bao vấn đề phải lo, giải quyết. Nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều thách thức; các cân đối lớn, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; nợ xấu có xu hướng tăng; giá cả đầu vào tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện; một số ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn như chăn nuôi, khai thác thủy sản; thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, xuất hiện sớm gây hậu quả nghiêm trọng; xuất hiện một số dịch bệnh mới, đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn; an ninh, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp...
Nguyên nhân, dễ thấy là tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, khó lường; dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai... Về chủ quan, nguyên nhân là do người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Về mặt này cũng phải nói thêm, dù Chính phủ đã chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tuy nhiên người đứng đầu là chưa hết, chưa đủ... thẩm quyền, hiện tượng “chuyền ban” lên Chính phủ vẫn còn đó. Chỉ riêng việc giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc phía Đông cho thấy, lãnh đạo Chính phủ nếu không sâu sát, vi hành cũng rất khó đạt tiến độ.
Để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của 6 tháng đầu năm, của cả năm 2022, rõ ràng lúc này cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn; đồng thời bám sát tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh.
Vấn đề thể chế, dù nói rất nhiều, chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; rà soát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về quy hoạch, đầu tư công vẫn được coi là “then chốt”, “bản lề” tạo ra năng lượng, động lực. Về tháo gỡ khó khăn, cũng cần nhắc lại đó là tập trung vào việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Điểm mấu chốt vẫn là hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình; phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công...
Để có nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; trước hết phải hành động thực chất và hiệu quả khi thực hiện các nhiệm vụ KT-XH trong nước.