Thúc đẩy mạng lưới thành phố sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong năm 2023, UNESCO sẽ thúc đẩy các sáng kiến dành cho thanh niên và những người làm sáng tạo, đẩy mạnh các diễn đàn và mạng lưới quốc tế kết nối Hà Nội tới khu vực châu Á và châu Âu. Đây là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp sáng tạo của Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, tăng cường khả năng hội nhập và khẳng định bản sắc.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 8 chỉ tiêu theo cam kết với UNESCO.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 8 chỉ tiêu theo cam kết với UNESCO.

Trao quyền cho người làm sáng tạo

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng công tác năm 2023, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, khẳng định UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ mạng lưới các thành phố sáng tạo, du lịch bền vững, ngành thủ công địa phương, thương hiệu di sản, đối thoại chính sách về công nghiệp văn hóa (điện ảnh) tại Việt Nam trong năm 2023.

Theo đó, một mục tiêu trọng tâm trong năm là thúc đẩy các sáng kiến dành cho thanh niên và những người làm sáng tạo, đẩy mạnh các diễn đàn và mạng lưới quốc tế kết nối Hà Nội tới khu vực châu Á và châu Âu. Ngoài ra, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức hội nghị về Công ước năm 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, trong số các mục tiêu cụ thể trong năm 2023, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tăng cường tiếp cận nguồn lực và huy động xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Đồng thời hỗ trợ nghệ thuật đương đại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa và sáng tạo, triển khai Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO.

Để tạo hành lang pháp lý, Uỷ ban sẽ tiếp tục tham gia hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa như dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Nghị định của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quy định về quản lý di sản tư liệu.

Về mặt truyền thông, Việt Nam sẽ tích cực tham gia các chương trình của UNESCO trong lĩnh vực thông tin truyền thông như: Chương trình quốc tế Phát triển Truyền thông (IPDC), Chương trình Thông tin cho mọi người (IFAP), Chương trình Thông hiểu kiến thức thông tin truyền thông (MIL).

Tiếp tục “ươm mầm” cảm hứng sáng tạo trẻ

Trong năm 2022, Hà Nội, thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO từ tháng 10/2019 (Lĩnh vực thiết kế), đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt khi các lệnh hạn chế bởi dịch bệnh đã được gỡ bỏ hoàn toàn.

Những cuộc thi như “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022”, “Thiết kế Ngôi nhà mơ ước”, “Hà Nội sáng tạo”… đã đem đến nhiều cơ hội cho các bạn trẻ khám phá, thể hiện tài năng và sự năng động của mình, góp phần tăng thêm tính sáng tạo của Thủ đô. Trong đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đã quy tụ 25 không gian sáng tạo nghệ thuật, 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, tọa đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật…

“Thủ đô di sản” Hà Nội được xem là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa của cả nước, bởi vậy có tiềm năng rất lớn để phát triển các không gian sáng tạo - thành tố then chốt tập hợp và thúc đẩy thông điệp sáng tạo tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Sự hiện diện ngày càng nhiều không gian sáng tạo lớn nhỏ ở Hà Nội, như không gian sáng tạo Complex 01 (phường Quang Trung, quận Đống Đa), là một tín hiệu cho thấy thành phố đang ngày càng chú trọng vào việc củng cố hệ sinh thái sáng tạo. Trong đó, giới trẻ, nguồn cảm hứng trẻ đóng góp một phần rất lớn trong việc hiện thực hoá và duy trì những không gian như vậy.

Theo Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 01/4/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025, thành phố đã cam kết thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nguồn lực sáng tạo. Đơn cử, Hỗ trợ khởi nghiệp và thực hiện các ý tưởng có hiệu quả và ý nghĩa văn hóa, xã hội, kinh tế; Xây dựng Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ; Đào tạo và bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho “Thành phố sáng tạo”; … Năm 2023 được xem là năm “bản lề” quan trọng để Hà Nội có thể hoàn thành 8 chỉ tiêu vào năm 2025, theo cam kết với UNESCO, hướng tới mục tiêu chung: “Đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế”.