Thúc đẩy tài chính toàn diện đối với các sản phẩm lưu trữ giá trị kỹ thuật số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời gian tới Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có thể nghiên cứu các biện pháp bảo vệ cho các sản phẩm lưu trữ giá trị kỹ thuật số
Thúc đẩy tài chính toàn diện đối với các sản phẩm lưu trữ giá trị kỹ thuật số

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính và các sản phẩm lưu trữ giá trị kỹ thuật số như tiền di động (mobile money), tiền điện tử, ví điện tử, thẻ trả trước đang tạo ra những tác động tích cực đối với việc tăng cường tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Bên cạnh những lợi ích mà những sản phẩm dịch vụ mới này đem lại, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro và nguy cơ không được bảo vệ liên quan đến khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính chưa hoàn thiện, hiểu biết tài chính còn kém và vấn đề an toàn bảo mật thông tin, ...

Tại Việt Nam, Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã thống nhất đưa ra định nghĩa rõ ràng về tiền điện tử:“Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử. Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử”.

Như vậy tiền điện tử tại Việt Nam chỉ bao gồm thẻ trả trước và ví điện tử, không bao gồm mobile money do loại hình này vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Có thể thấy sự nhất quán tương đối trong quan điểm về việc xác định sản phẩm có giá trị được lưu trữ kỹ thuật số tại Việt Nam so với thông lệ quốc tế.

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm tài chính mới, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy và kiểm soát các hình thức thanh toán điện tử này, như Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán,...

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025” và được Chính phủ thông qua tại Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Các chủ trương, chính sách nói trên tập trung vào việc hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử. Nhờ vậy, trong thời gian vừa qua, các hình thức thanh toán điện tử tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, đối với ví điện tử, theo số liệu của NHNN, tính tới 30/6/2021, đã có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó có 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường, với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,39 triệu ví (tăng khoảng 2,75 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020).

Đặc biệt, theo số liệu thống kê từ Robocash Group, trong 4 năm (2018-2022), số lượng người dùng ví điện tử đã tăng một cách ấn tượng: từ 12,3 lên 41,3 triệu (tức là tăng mạnh tới 330%). Hiện nay, khoảng 57% dân số trưởng thành của Việt Nam sử dụng ví điện tử, tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2018.

Tuy nhiên, sự phổ biến rộng rãi của ví điện tử cũng tồn tại nhiều rủi ro khi đã có nhiều sự việc người dùng bị mất tiền trong ví điện tử hoặc trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví, hoặc lợi dụng chức năng chuyển tiền miễn phí để vận hành đường dây đánh bạc lên tới 2.000 tỷ đồng.

Với thẻ trả trước, thẻ trả trước gồm 2 loại thẻ trả trước định danh (có các thông tin định danh chủ thẻ) và thẻ trả trước vô danh (không có các thông tin định danh chủ thẻ). Tính đến năm 2022, số lượng thẻ trả trước phát hành là 28.968.300 thẻ, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2017.

Riêng đối với thẻ trả trước vô danh, tính đến cuối tháng 9/2019, trên thị trường có 56 tổ chức phát hành thẻ thì có 14 tổ chức phát hành thẻ trả trước vô danh, với số lượng thẻ đang lưu hành là 1.583.599 thẻ, chỉ chiếm khoảng 1,6% so với tổng lượng thẻ đang lưu hành. Mặc dù chiếm tỷ trọng thấp và giá trị nhỏ nhưng thẻ trả trước vô danh tiềm ẩn nhiều rủi ro do không xác định được thông tin định danh khách hàng.

Căn cứ vào thực trạng phát triển các loại hình tiền điện tử tại Việt Nam và việc quản lý các loại hình này, trong thời gian tới BHTGVN có thể nghiên cứu các biện pháp bảo vệ cho các sản phẩm này nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, cụ thể như sau:

Thứ nhất, phối hợp với các cơ quan quản lý để hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm lưu trữ giá trị kỹ thuật số, các sản phẩm công nghệ tài chính để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.

Thứ hai, trong ngắn hạn, nghiên cứu mở rộng phạm vi bảo hiểm cho thẻ trả trước định danh. Không bảo vệ cho thẻ trả trước vô danh do không xác định được thông tin khách hàng.

Thứ ba, trong dài hạn, BHTGVN có thể nghiên cứu mở rộng đối tượng thành viên tới các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với sản phẩm ví điện tử, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng ví điện tử nói riêng và người gửi tiền nói chung.

Thứ tư, nâng cao nhận thức của người gửi tiền và công chúng về các sản phẩm tài chính số và chính sách BHTG, tầm quan trọng của bảo mật thông tin cá nhân v.v. để họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính.

Đọc thêm