Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định tại cuộc họp chiều 17/7 với một số bộ, ngành về công tác chuẩn bị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương.
Ba ưu tiên khi áp dụng Chỉ thị 16
Theo Phó Thủ tướng, thứ nhất, phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân. Thứ hai phải đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải bởi hệ thống y tế không chỉ chữa cho người mắc COVID-19 mà còn điều trị các bệnh khác cho người dân. Thứ ba, do chưa có đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng nên các lực lượng phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.
Phó Thủ tướng giải thích, trước hết, việc áp dụng cho 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch, không để dịch lan rộng ra cả tất cả khu vực, sau đó lan ra cả nước. Đối với những nơi còn an toàn, phải quyết tâm rất cao để giữ bằng được; đồng thời phải đẩy lùi, khoanh lại và tiến tới dập dịch ở những nơi dịch bệnh xuất hiện.
Cùng với việc áp dụng đồng bộ Chỉ thị 16/CT-TTg, chúng ta phải tạo cơ chế để sản xuất an toàn, đặc biệt lưu thông, phân phối an toàn. Không mất cảnh giác nhưng không thể để ách tắc trong lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống người dân và sản xuất.
“Việc áp dụng Chỉ thị sẽ không có kết quả nếu không làm thực chất. Vì vậy, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg,” Phó Thủ tướng yêu cầu.
Nhấn mạnh việc nỗ lực duy trì sản xuất an toàn trong thực hiện giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, các ngành, cấp cùng vào cuộc đồng bộ, thông suốt không chỉ trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội mà còn chung trên cả nước.
Vì vậy, Chính phủ mong muốn người dân cả nước thấu hiểu, chia sẻ, tham gia và cùng hướng về tuyến đầu. Việc mọi người dân thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch góp phần thể hiện sự biết ơn với đội ngũ y bác sỹ và các lực lượng tuyến đầu đang căng mình chống dịch.
“Nếu tất cả người dân Việt Nam cùng đồng lòng, quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh lần này, để đất nước sớm quay lại cuộc sống bình thường mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngành Y tế hỗ trợ tối đa các địa phương phòng, chống dịch
Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã cử nhiều đội công tác đặc biệt vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố, đặc biệt ngành Y tế địa phương để chuẩn bị mọi kịch bản, tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, chủ yếu liên quan đến công tác truy vết, xét nghiệm, điều trị.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cùng với sự vào cuộc các bộ, ngành, địa phương, Bộ Y tế - với vai trò chịu trách nhiệm chính về sức khỏe nhân dân, sẽ tăng cường tối đa nguồn nhân lực thực hiện truy vết, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị và các công tác khác, hỗ trợ các địa phương.
Đồng thời, Bộ Y tế bảo đảm trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men, các sinh phẩm… thông qua đấu thầu, mua sắm tập trung và huy động mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa, cùng các địa phương phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới.
Đảm bảo đủ số lượng và chất lượng hàng hóa cho người dân
Liên quan đến việc chuẩn bị cung ứng hàng hóa thiết yếu cho 19 tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch khi 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ đã có sự chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ đời sống người dân; đồng thời lưu ý, có thể không thể tránh khỏi những xáo trộn nhất định.
Đường Tôn Đức Thắng, thành phố Cao Lãnh vắng bóng người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN |
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và những nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm, mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, do mỗi địa phương có đặc điểm, tình hình dịch bệnh khác nhau, Bộ Công Thương đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Công Thương để đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân.
Liên quan đến việc đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã trực tiếp điều hành, tổ chức lại việc phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR-Code thống nhất với các địa phương để bảo đảm các xe được lưu thông trong khu vực có dịch và không có dịch.
Do Sở Giao thông vận tải một số địa phương cấp mã QR-Code cho các phương tiện lưu thông hàng hóa còn chậm, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, từ ngày 19/7, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục đường bộ Việt Nam tổ chức cấp mã QR-Code nhằm giúp các doanh nghiệp và lái xe được cấp mã nhanh hơn, lưu thông thuận lợi hơn.