Agribank – Khẳng định vai trò chủ lực "Tam nông"
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngày nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước. Với tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2008), tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 70% và chiếm tới 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Agribank luôn giữ vai trò tiên phong, chủ lực trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xuyên suốt 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, Agribank luôn kiên định mục tiêu đồng hành xây dựng cùng tam nông. Agribank đã triển khai, đưa ra những giải pháp cụ thể, mang lại những thành công nhất định. Từ thực tiễn đầu tư, phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank đã chủ động xây dựng đề án hoặc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng trong cho vay nông nghiệp, nông thôn như: Quyết định 67/1999/QĐ-TTg, Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
Đồng thời, bám sát các chương trình chính sách của Chính phủ, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai trên toàn hệ thống, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Năm 2009, Agribank đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, triển khai Đề án “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2010 và định hưởng đến năm 2020”.
Các chương trình đầu tư của Agribank mang lại hiệu quả tốt với tốc độ tăng trưởng dư nợ cao như: Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 659.603 tỷ đồng (3.247.077 khách hàng); Cho vay xây dựng nông thôn mới đạt dư nợ là 423.118 tỷ đồng (2.660.712 khách hàng); Dư nợ cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là 5.447 tỷ đồng (622 khách hàng); Dư nợ cho vay theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ đạt 1.799 tỷ đồng (4.902 khách hàng); Dư nợ cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đạt 1.873 tỷ đồng (36.089 khách hàng); Cho vay tái canh cà phê đạt 476 tỷ đồng (3.200 khách hàng còn dư nợ).
Năm 2012, Agribank phát động triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn hệ thống. Tính đến nay, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, được triển khai trên 8.900 xã với dư nợ đạt 423.118 tỷ đồng. Với mong muốn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam, cùng xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, Agribank đã chủ động triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch”.
Tính đến nay, Agribank đã đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng với hơn 2.300 khách hàng. Các mô hình do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực như: trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai....), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)… Các mô hình sản xuất này bước đầu đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Agribank – sáng tạo và chia sẻ cùng "Tam nông"
Tạo điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn được tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng, Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương triển khai trên 55.000 tổ vay vốn, trên 30 huyện thuộc 30 tỉnh; thực hiện điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.
Hiện nay, trên 4 triệu khách hàng đang có quan hệ vay vốn, trên 10 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ của Agribank. Đối với những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, thiên tai, Agribank chủ động phối hợp với chính quyền các cấp và khách hàng, đưa ra các giải pháp kịp thời trước rủi ro trong đầu tư nông nghiệp, hợp tác với Công ty Cổ phần Bảo hiểm ABIC triển khai các gói sản phẩm bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm tài sản hữu ích cho khách hàng khi vay vốn.
Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, Agribank còn thể hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp lớn với sự nghiệp An sinh xã hội của đất nước. Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh, Agribank đã triển khai hỗ trợ 160 tỷ đồng cho hai huyện Mường Ảng và Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên.
Sau khi bàn giao 2.188 nhà ở cho người nghèo, Agribank tiếp tục bàn giao 41 khu nhà ở với 329 phòng, 40 khu vệ sinh, 40 hệ thống cấp nước, 40 nhà bếp, 9.000m2 sân bê tông, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho 38 trường học trên địa bàn hai huyện này. Bên cạnh đó, Agribank ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết tại nhiều địa phương trên cả nước; tặng sổ tiết kiệm cho các cựu nữ thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; tài trợ kinh phí mổ tim cho các em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh; tài trợ kinh phí xây dựng Bệnh viện ung bướu khu vực miền Trung; tôn tạo, tu bổ các Di tích lịch sử quốc gia...
Hàng năm, cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống đóng góp 04 ngày lương ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Ngày vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ tình nghĩa ngành ngân hàng. Từ năm 2009 - 2017 toàn hệ thống dành 2.271 tỷ đồng ủng hộ các quỹ từ thiện, an sinh xã hội. Tổ chức tốt đợt tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên và cán bộ tình nguyện tham gia “Hiến máu nhân đạo”, hỗ trợ các em nhỏ đồng bào dân tộc miền núi.
Là Ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm, bằng nguồn vốn của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp, xử lý rủi ro đối với các đối tượng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thuộc các chương trình chính sách, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Sự sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau cả những lúc khó khăn và khi thuận lợi, mối quan hệ giữa Agribank và người nông dân Việt Nam ngày càng thêm gắn bó bền chặt, thể hiện cam kết của Agribank - luôn đồng hành cùng khách hàng trên con đường hướng tới tương lai, vì lợi ích của ngân hàng, khách hàng cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung.
Ghi nhận và biểu dương những đóng góp của Agribank cho Tam nông, ngày 26/11/2018 vừa qua, Agribank vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung Ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban kinh tế TW trao tặng Bằng khen cho Agribank vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn |
Để tam nông tiếp tục phát triển bền vững
Trong quá trình đồng hành cùng Tam nông, tuy đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26, Agribank nhận thấy còn có những hạn chế, rào cản cho sự phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn như: vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún; năng lực sản xuất hạn chế, thiểu đồng bộ; máy móc sản xuất cũ kỹ, ít đổi mới, chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến cung ứng; cho vay chi phí cao; chịu nhiều rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu, thị trường bảo hiểm nông nghiệp còn chưa phát triển,…
Tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, vì một Việt Nam thịnh vượng" vừa được tổ chức ngày 26/11/2018, ông Lê Xuân Trung – Phó Tổng Giám đốc Agribank đề xuất một số kiến nghị nhằm tháo gỡ những nút thắt, như: tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ; mở rộng đối tượng đầu tư một số dự án tài trợ ODA, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; xây dựng quy hoạch phù hợp đặc điểm kinh tế vùng, định hướng ngành, các vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những vùng tập trung quy mô lớn, mô hình chuỗi giá trị liên kết trên cơ sở thế mạnh và đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tuyên truyền tích cực về định hướng sản xuất nông nghiệp, kiến thức về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đến những người nông dân, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu vùng xa...
Đồng chí Lê Xuân Trung phát biểu tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, vì một Việt Nam thịnh vượng" |
Kiên định sứ mệnh vì “Tam nông”, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, qua 10 năm triển khai Nghị quyết 26, Agribank đã khẳng định vai trò tiên phong, chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần tích cực vào việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn. Agribank tiếp tục vượt qua những thách thức, khó khăn, phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đóng vai trò tích cực trong quá trình thực hiện chính sách phát triển "Tam nông" của Đảng và Nhà nước.