Trong phần đánh giá trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách pháp luật về ATTP, Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011 – 2016 đã nêu rõ:
Để xảy ra tình trạng mất ATTP như trên, trách nhiệm chính trước tiên thuộc về các cơ quan QLNN; tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, người tiêu dùng thực phẩm trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan QLNN và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội cũng phân tích cụ thể: Những yếu kém, hạn chế trong quản lý ATTP nêu trên là thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức, phân bổ nguồn lực, đặc biệt là NSNN cho công tác ATTP và tổ chức bộ máy triển khai thực hiện; phân công, phân cấp nhiệm vụ QLNN giữa các Bộ còn có mặt chồng chéo;
Hoạt động điều phối của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương còn chưa quyết liệt; ban hành một số văn bản chỉ đạo quản lý còn chậm, giải pháp đưa ra chưa khả thi, nhiều vấn đề tồn tại chưa có biện pháp xử lý dứt điểm như vấn đề sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…; là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương trong việc tham mưu, đề xuất và ban hành các văn bản QPPL, có lúc, có việc chưa làm thật tốt công tác quản lý nhà nước theo sự phân công đã được quy định tại Luật ATTP.
Đối với UBND các cấp, có trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm, yếu kém trong quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; một số địa phương còn để xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, gây chết người trên địa bàn.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; có tình trạng né tránh kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước; còn có hiện tượng tiếp tay cho các vi phạm như kinh doanh hàng buôn lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, hóa chất, phụ gia thực phẩm không thuộc Danh mục cho phép sử dụng…; đạo đức kinh doanh chưa được coi trọng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng có trách nhiệm trong việc thực hiện giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về ATTP; phát hiện, đấu tranh với sai phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất an toàn chưa được thường xuyên.
Đối với người tiêu dùng, báo cáo nhận định: Một phần khá lớn người tiêu dùng còn rất chủ quan với sức khỏe, vì thế dễ dãi trong sử dụng sản phẩm nông nghiệp. Có nhiều trường hợp biết sản phẩm nguy hại cho sức sức khỏe vẫn sử dụng.
Cũng theo Báo cáo của Quốc hội, trong giai đoạn từ 2011- 2016, đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các cơ quan trung ương ban hành; 669 văn bản các địa phương đã ban hành về ATTP. Nội dung các văn bản pháp luật ban hành về cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP; nội luật hóa các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia , tương đối thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; các quy định hướng dẫn đã bám sát văn bản gốc, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý ATTP…
Các nội dung giao Chính phủ, giao Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, UBND cấp tỉnh quy định trong Luật ATTP đến nay đều đã được cụ thể hóa trong các nghị định, thông tư.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý ATTP, tính khả thi chưa cao. Một số quy định về phân công trách nhiệm QLNN về ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng, một số lĩnh vực quản lý thiếu quy định hướng dẫn cụ thể.