Madhur Kumar thuộc Chi cục Thực phẩm và Y tế Công cộng của California và các đồng nghiệp đã nghiên cứu dữ liệu công khai của FDA về các sản phẩm bị “nhiễm bẩn” được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung từ năm 2007 đến năm 2016 để đưa ra những phân tích độc lập với FDA về vấn đề này. Đa số các sản phẩm này đều tiềm tàng nguy cơ cho sức khỏe con người, được bán trên internet và trong các cơ sở bán lẻ.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe
Hơn 50% người trưởng thành sử dụng chế độ ăn uống bổ sung, tạo ra ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung trị giá 35 tỷ USD. Nhưng các tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ thuốc trong các thực phẩm bổ sung này rất thấp nên phần lớn thành phần sẽ là “các loại thuốc không được lưu hành”. “Các sản phẩm này có khả năng gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do sử dụng sai mục đích, do những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn, lạm dụng hoặc tương tác với các loại thuốc khác”, nhóm tác giả cảnh báo.
Năm 1999, Mỹ đã có 2 đợt thu hồi số lượng sản phẩm có chứa các thành phần không rõ ràng đối với 99 loại sản phẩm. Bên cạnh đó, số liệu từ năm 2012 đến năm 2016 cho thấy, 97% thực phẩm bổ sung không công bố các thành phần dược phẩm không được chấp thuận trên nhãn của các thực phẩm bổ sung này.
Trong số các thực phẩm bổ sung được bán trên thị trường, khoảng 45% cho mục đích tăng cường khả năng tình dục, khoảng 41% cho việc giảm cân hoặc 12% cho mục đích tạo cơ bắp.
Thành phần thuốc có trong các sản phẩm tăng cường khả năng tình dục bao gồm các thành phần hoạt tính dành cho rối loạn chức năng cương dương, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho các mạch máu nếu lạm dụng. Hay trong các sản phẩm giảm cân, thành phần dược phẩm phổ biến nhất được pha trộn là sibutramine – một chất đã bị cấm ở Mỹ từ năm 2010 do nguy cơ gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch và phenolphthalein (đã được sử dụng trong hơn một thế kỷ như thuốc nhuận tràng, nhưng hiện nay đang được gỡ bỏ khỏi danh mục các thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về nguy cơ gây ung thư).
Nhiều sản phẩm tạo cơ chứa steroid đồng hóa không được công nhận, khi lạm dụng, có thể dẫn đến các vấn đề về tâm thần trong ngắn hạn và tổn thương thận, gan và tim nếu dùng trong thời gian dài. Các loại thuốc khác được tìm thấy trong các sản phẩm bổ sung bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc kháng histamine (dung để điều trị dị ứng nhưng nếu lạm dụng có thể gây co giật, ảo giác), cả hai loại thuốc này đều có thể có tác dụng phụ và tương tác với các thuốc khác.
Cơ quan quản lý cũng… gặp khó
Lo ngại trước những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ các chất pha trộn trong thực phẩm bổ sung, các tác giả kết luận: “Khi ngành công nghiệp thực phẩm chức năng tiếp tục phát triển ở Hoa Kỳ, điều quan trọng là tiếp tục giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng này”. Tiến sĩ Pieter A. Cohen một giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, thành viên Hiệp hội Y tế Cambridge ở Massachusetts cho biết, mặc dù FDA đã phát hiện 746 chất bổ sung bị tạp nhiễm và thông báo thu hồi tự nguyện cho ít hơn một nửa số sản phẩm này. Tuy nhiên, chỉ có 360 của 746 sản phẩm (48%) đã được thu hồi nghĩa là hơn 350 sản phẩm có chứa các chất pha trộn vẫn đang lưu hành.
Đó là hậu quả của việc dù FDA “có các công cụ thực thi nhưng chưa phát huy hết, cũng như việc thiếu hụt quy định của FDA về các loại chất bổ sung”. Do đó, Cohen tin rằng, FDA cần có nhiều hành động hơn để đảm bảo rằng tất cả các chất bổ sung bị tạp nhiễm được loại bỏ một cách hiệu quả và nhanh chóng khỏi thị trường thực phẩm bổ sung. Đồng thời, Giáo sư y khoa này đề nghị Quốc hội cải cách Đạo luật Y tế và Giáo dục bổ sung vào năm 1994 bằng cách yêu cầu các công ty đăng ký các loại thực phẩm bổ sung với FDA trước khi bán để FDA kiểm tra và có thể thu hồi ngay lập tức đăng ký sản phẩm nếu phát hiện bị tạp nhiễm.
Song, phát ngôn viên của FDA, Lindsay Haake trong một email đã trần tình rằng, “FDA công nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề này và tiếp tục hành động trong các nguồn lực và thẩm quyền để giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất”. Bà cũng lưu ý rằng khi một chất bổ sung bị tạp nhiễm được phát hiện, “mục tiêu chính của FDA là giảm thiểu rủi ro gây ra cho sức khỏe cộng đồng bằng cách thông báo cho người tiêu dùng về mọi nguy hiểm liên quan đến sản phẩm và làm việc để loại bỏ nó khỏi thị trường càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, chính FDA đôi khi cũng “phải đối mặt với một số thách thức trong việc ngăn chặn việc tiếp thị gian lận các loại sản phẩm này”, bao gồm việc dán nhãn lại sản phẩm để tránh phát hiện, Haake viết.