Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives (Những Triển vọng y tế môi trường) số ra ngày 23/6, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành phân tích thông tin về việc sử dụng thuốc trừ sâu tại bang California và nơi sinh sống của khoảng 1.000 người mẹ có con mắc bệnh tự kỷ.
Sau khi xem xét nơi sinh sống của những bà mẹ này trong giai đoạn mang thai và gần ngày dự sinh, các nhà khoa học phát hiện khoảng 30% trong số này sống cách khu vực ruộng đồng nông trại có phun nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ sâu bọ chỉ khoảng 1,25km đến 1,75km.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy một số loại thuốc trừ sâu được phun khá phổ biến gần nơi ở của các bà mẹ có con mắc bệnh tự kỷ hoặc chậm phát triển nhận thức và các kỹ năng khác. Nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh tự kỷ cũng lên mức cao nhất đặc biệt ở các phụ nữ trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ sống gần nơi có phun thuốc trừ sâu.
Trao đổi với báo giới, Trưởng nhóm nghiên cứu Janie Shelton đến từ trường Đại học California cho biết phát hiện mới này giúp củng cố thêm các kết quả nghiên cứu trước đó cho thấy có mối liên hệ giữa trẻ mắc bệnh tự kỷ và các hóa chất nông nghiệp mà các bà mẹ tiếp xúc trong thai kỳ.
Mặc dù cho rằng vẫn cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ vấn đề này, nhưng bà Shelton cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai cần chú ý tránh ở gần cũng như tiếp xúc với các hóa chất nông nghiệp, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.
Tự kỷ là bệnh rối loạn phát triển hệ thần kinh. Những trẻ em bị tự kỷ thường chậm phát triển khả năng giao tiếp, khó khăn trong sử dụng ngôn ngữ, không hiểu các ký hiệu và ít có khả năng tưởng tượng. Bệnh thường biểu hiện trước 3 tuổi khi đứa trẻ tự tách rời với thực tế và môi trường chung quanh.
Trẻ mới sinh không thể hiện rõ bệnh nhưng từ tháng thứ 18 trở đi, cha mẹ và những người xung quanh có thể nhận thấy rõ các triệu chứng bệnh ở trẻ như trẻ tỏ ra thờ ơ, không chú ý tới các hoạt động xung quanh, không đáp lại sự săn sóc của người lớn bằng nét mặt, ánh nhìn hay nụ cười.
Trẻ mắc bệnh tự kỷ vẫn phát triển thể chất bình thường nhưng trì trệ, kém phát triển hơn so với các bạn cùng trang lứa, thể hiện ở việc trẻ không nói được, nói không thành câu và khó hòa nhập với xã hội.