Do đó, ngoài các giải pháp tạm thời tại các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng báo cáo tổng thể về giải pháp trữ nước ĐBSCL, tầm nhìn tới 2100.
Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL từ tháng 12/2019. Tại Bến Tre, mặn xâm nhập sâu và kéo dài làm nguồn nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm. Hiện nay, trên sông Hàm Luông và sông Cửa Đại không còn nước ngọt để lấy. Các nhà máy nước (NMN) cung cấp nước sinh hoạt đã nhiễm mặn trên 2%o…
Để đáp ứng việc cải thiện nguồn nước phục vụ trên địa bàn tỉnh, CTCP Cấp thoát nước Bến Tre đã liên hệ với NMN khu vực cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long), khả năng có 2 - 2,5 ngàn m3/ngày, với độ mặn dưới 0,45%o để hòa vào làm giảm độ mặn nước cung cấp tại một số NMN trên địa bàn.
Tỉnh Tiền Giang đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để thi công đập thép ngăn kênh Nguyễn Tấn Thành nhằm biến thành hồ chứa nước ngọt với trữ lượng hàng chục triệu mét khối cung cấp nước cho NMN BOO Đồng Tâm, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 hộ dân địa phương.
Song song đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Thủ tướng cho chủ trương và hỗ trợ kinh phí 400 tỷ đồng để đầu tư hồ chứa nước ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (hiện đang làm đập tạm).
Còn Cà Mau, từ nhiều năm nay vẫn kiên trì đề xuất hai giải pháp: dẫn nguồn nước từ sông Hậu về và trữ nước tại địa phương. Theo nghiên cứu của Viện Địa lý tài nguyên TP HCM, hiện tổng lượng nước ngọt được người dân Cà Mau sử dụng hàng năm khoảng 1,3 tỷ mét khối. Trong khi đó, tiềm năng khai thác trữ lượng nước mưa ở Cà Mau dự báo có thể đạt mức trên 8 tỷ mét khối/năm.
Trước nguy cơ hạn mặn, để đảm bảo nước ngọt trong mùa khô, người dân các tỉnh ĐBSCL đã ý thức trong việc trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, có giải pháp thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH): tự trang bị ống hồ, bồn nhựa, đào hố, trải bạt và sử dụng nước tiết kiệm trong mùa khô các năm tiếp theo...
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ TN&MT đến nay vùng ĐBSCL chưa có một giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên ngành, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL. Các nghiên cứu, dự án mới chỉ dừng lại ở mức độ vùng nhỏ hoặc cục bộ, chưa thể hiện rõ khả năng liên kết vùng; đồng thời chủ yếu về số lượng nước mà chưa làm rõ được về chất lượng nước.
Vì vậy, cơ quan này kiến nghị cần sớm thực hiện một dự án nghiên cứu tổng thể về các giải pháp trữ nước ở ĐBSCL trên cơ sở tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, 2100, định hướng chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP, mang tính chất liên vùng, liên ngành, dựa trên các số liệu dự báo khí tượng thủy văn trung hạn và dài hạn, kết hợp với kịch bản BĐKH được cập nhật mới nhất, xác định được định hướng rõ ràng và đề ra các giải pháp trữ nước khả thi cho từng vùng sinh thái cụ thể. Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, trong tháng 6/2020, báo cáo tổng thể về kế hoạch này sẽ được các đơn vị trong Bộ hoàn tất để lấy ý kiến…
Hưởng ứng phong trào “Đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt của Tỉnh ủy Bến Tre, từ năm 2016, thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, việc trữ nước mưa, nước ngọt đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi ở các địa phương.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận dụng cụ trữ nước, tiền mặt, trang bị cho 27.350 hộ dân với trên 28.567 dụng cụ như: bồn, thùng, can nhựa..., trị giá trên 55 tỷ đồng.
Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tổng số tiền 1,256 tỷ đồng để mua 1.053 bồn trữ nước, 6.100 bình nước ngọt, 2.000 bình nước lọc, 300m3 nước ngọt.