Tiến sĩ Matthew Snape, một chuyên gia về vaccine tại Đại học Oxford và các đồng nghiệp của ông đã bắt đầu một thử nghiệm được gọi là Com-COV vào tháng 2 vừa rồi. Trong đợt nghiên cứu đầu tiên, họ đã cho 830 tình nguyện viên sử dụng một trong bốn cách kết hợp vaccine, khoảng cách giữa hai liều tiêm là 4 tuần.
Hai nhóm được tiêm đủ hai liều Pfizer hoặc hai liều AstraZeneca. Hai nhóm còn lại được tiêm một liều AstraZeneca và sau đó là một liều Pfizer và ngược lại. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện vaccine AstraZeneca có khả năng bảo vệ mạnh mẽ hơn nếu liều thứ hai được tiêm sau liều thứ nhất 12 tuần. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đang tiến hành 1 thử nghiệm riêng kéo dài đến 12 tuần, dự kiến sẽ có kết quả vào tháng 7.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi được tiêm hai mũi vaccine khác loại, những phản ứng cơ thể sau khi tiêm (ớn lạnh, đau đầu và đau cơ) đều cao hơn những người tiêm cùng loại. Các phản ứng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc sử dụng các loại vaccine khác nhau dẫn đến việc các tế bào miễn dịch có khả năng sẵn sàng tấn công virus Corona cao hơn so với việc sử dụng hai liều vaccine giống nhau. Cho tới nay, tiến sỹ Snape vẫn chưa tìm ra được nguyên do của hiện tượng này.
Tiến sĩ Snape và các đồng nghiệp của ông cũng đã bắt đầu những thí nghiệm tương tự, bổ sung thêm 2 loại vaccine là Moderna và Novavax vào danh sách thử nghiệm.
Tiến sĩ cho biết, tới thời điểm hiện tại, tiêm đủ hai liều vaccine cùng loại vẫn là phương pháp tối ưu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như thiếu vaccine do sản xuất bị trì hoãn có thể khiến việc tiêm cùng loại vaccine gặp nhiều khó khăn.