“Tiên đoán” của nữ thanh niên xung phong về đảo Bạch Long Vĩ

(PLO) - Năm 1998, khi Tổng đội Thanh niên xung phong đưa công trình điện sức gió ra Bạch Long Vĩ, chị Tổng đội trưởng Nguyễn Thị Vinh đã nói sau này mọi người sẽ nhìn thấy ti vi, có điện thắp sáng cho trẻ con học và cho sinh hoạt, ai cũng nghĩ đó chỉ là giấc mơ...
”Đảo lành” Bạch Long Vĩ.
”Đảo lành” Bạch Long Vĩ.

Là thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo Bạch Long Vĩ, anh Nguyễn Văn Hậu, cán bộ Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng đã gắn kết với mảnh đất này 22 năm. Lý do ở lại nơi gian khổ của anh thật đơn giản, anh muốn cùng những thanh niên xung phong khác và người dân nơi đây gây dựng những công trình, tạo dựng những thế hệ kế tiếp mang hộ khẩu và niềm tự hào về Bạch Long Vĩ.

Bước chân tiên phong

Anh Nguyễn Văn Hậu sinh năm 1971, quê ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Năm 1989, anh được nhận về làm công nhân Xí nghiệp 26/3, tiền thân của Tổng đội Thanh niên xung phong ngày nay.

Đã quen với nắng gió, vất vả khi tham gia xây dựng các công trình của Xí nghiệp 26/3 trên khắp Hải Phòng và ở các tỉnh, thành phố xa hơn như Đà Nẵng nên khi chị Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong ngày đó là Nguyễn Thị Vinh nói về chương trình đưa thanh niên xung phong ra huyện đảo Bạch Long Vĩ sinh sống, anh Hậu sẵn sàng lên đường.

Năm 1993, anh Hậu là một trong 60 thanh niên đầu tiên đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ, tạo dựng nên sức sống mới cho huyện đảo mới thành lập này. Anh kể lại, dù đã quen với điều kiện sống kham khổ khi ở đất liền, nghe mọi người kể về những khó khăn, thiếu thốn như thời gian đi lại, liên lạc với gia đình, điện, nước đều không có hoặc rất hạn chế nhưng khi ra đến nơi, tất cả anh chị em thanh niên xung phong đều thấy công cuộc vượt khó thật sự.

Họ bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng 5 ngôi nhà cho các hộ dân sinh sống, cải tạo lại đường sá, làm vườn, trồng những luống rau xanh đầu tiên. Ban ngày công việc bận rộn nên nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền qua đi nhanh. Nhưng khi đêm tối xuống, sống trên hòn đảo chưa đầy 3km2 , bao quanh là sóng biển ầm ào, cứng rắn như đàn ông cũng phải bật khóc.

Ngày đó điện thoại chưa có, muốn liên lạc về nhà phải lên Trung đoàn 952 nhờ đánh điện về Văn phòng huyện Bạch Long Vĩ có trụ sở tại thành phố Hải Phòng, sau đó Văn phòng thông báo cho người nhà. 1 năm cũng chỉ được nghỉ phép 1 đến 2 lần, mỗi lần đi tàu mất từ 24-48 tiếng. Có những chuyến tàu, thời gian hành trình lên tới 54 tiếng do sóng biển lớn, tàu không cập được vào doi cát nên cứ lênh đênh trên biển khơi chờ biển lặng mới vào.

Chung tay xây dựng

Sau khởi đầu khó khăn ấy, anh Hậu cùng đồng đội đã tạo nên gương mặt mới cho huyện đảo này. Trước năm 1993, trên đảo chỉ có cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 952. Họ tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu nên Bạch Long Vĩ không có người trồng cây gây rừng. 60 thanh niên đầu tiên vừa tham gia xây dựng các công trình công cộng, vừa trồng cây, gây rừng, nuôi các con vật.

Trong điều kiện đó, các anh chị đã nghĩ ra cách làm hay, sáng tạo. Muốn trồng được rau, họ phải trồng bờ rào thật cao để tránh gió biển. Đất đảo cát sỏi, họ lấy phân bò phơi khô rồi chôn xuống cải tạo đất.

Đội viên liên đội TNXP Bạch Long Vĩ chăm sóc cây trong Công viên Tuổi Trẻ.

Đội viên liên đội TNXP Bạch Long Vĩ chăm sóc cây trong Công viên Tuổi Trẻ.

Anh Hậu kể lại, muốn làm được những điều này, ngoài ý chí và lòng quyết tâm phải có tình yêu thực sự với mảnh đất này bởi trong điều kiện khắc nghiệt như sương muối, nắng nóng, gió bão mọi thứ đều bị tàn phá dễ dàng. Rồi cuộc sống nơi này dần dần sang một trang mới, các công trình như bệnh viện, trường học, điện sức gió dần dần được tạo dựng.

Năm 1998, khi Tổng đội Thanh niên xung phong đưa công trình điện sức gió ra Bạch Long Vĩ, chị Tổng đội trưởng Nguyễn Thị Vinh đã nói sau này mọi người sẽ nhìn thấy ti vi, có điện thắp sáng cho trẻ con học và cho sinh hoạt, ai cũng nghĩ đó chỉ là giấc mơ.

Nhưng đến năm 2004, tất cả đều thành hiện thực. Bây giờ cuộc sống của người dân trên đảo Bạch Long Vĩ đã có những thay đổi rõ nét. Hiện tại trên toàn đảo có khoảng 1.500 dân sinh sống. Họ có thể xem các chương trình truyền hình kỹ thuật số, vào mạng Internet, có điện sinh hoạt. Kết quả này có được ngoài sự quan tâm của Trung ương và thành phố Hải Phòng, không thể không kể đến sự đóng góp của những người tiên phong như anh Hậu.

Trở lại với những câu chuyện về đổi thay của huyện đảo, anh Hậu bày tỏ sự xúc động vì những công trình trên huyện đảo hôm nay đều có công sức của vợ chồng anh chị.

Đám cưới của anh Nguyễn Văn Hậu và chị Nguyễn Thị Huyền là đám cưới thứ hai diễn ra tại huyện đảo Bạch Long Vĩ. Ngày hôn lễ chỉ giản dị là mời bạn bè, người dân trong huyện đến hội trường UBND huyện uống trà, chia vui.

Gần 20 năm sau, những đứa trẻ đầu tiên sinh ra, lớn lên tại Bạch Long Vĩ như con của anh Hậu, chị Huyền cùng nhiều gia đình thanh niên xung phong khác đã học đại học, đã có một thế hệ công dân lớn lên và trưởng thành từ huyện đảo này.

“Đảo lành”

Từ một vùng đất khắc nghiệt, với bàn tay, khối óc và những trái tim yêu nắng gió nơi đảo xa, Bạch Long Vĩ đã trở thành “đảo lành”, nơi sum họp của rất nhiều người đến từ các vùng quê khác nhau trên mảnh đất hình chữ S.

Anh Hậu cho biết, nhiều ngư dân của các tỉnh, thành phố khác đến âu cảng Bạch Long Vĩ tránh trú bão hoặc định cư tại đây đã tạo ra nét giao thoa văn hóa rất đặc biệt, đồng thời cũng đem đến cơ hội phát triển kinh tế cho vùng đất này.

Cùng với đó, tình yêu lao động tiếp tục mang đến những màu sắc mới cho cuộc sống trên đảo. Tại huyện đảo đang có những công trình mới mang dáng vóc thanh niên xung phong như hồ chứa nước ngọt, mô hình nuôi bào ngư, mô hình bốc xếp dỡ hàng hóa tại âu cảng.

Là người phụ trách khu dân cư của thanh niên xung phong, đồng thời tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, anh Hậu luôn động viên những người mới đến, những bạn trẻ nếu nỗ lực làm việc thì trong điều kiện, hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu cũng vẫn có thể chuyển hóa hoàn cảnh theo hướng tích cực hơn.

Đọc thêm